PV: Thưa ông, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đang là một hình thức đầu tư khá phổ biến ở Việt Nam nhưng lại xuất hiện nhiều lỗ hổng gây thất thoát. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
PGS.TS Ngô Trí Long: Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đổi đất lấy hạ tầng những năm qua đã góp phần huy động thêm nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống chính sách pháp luật còn thiếu và hổng, phương thức đầu tư này đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Khi mà các dự án BOT đang gặp phải nhiều phản ứng từ dư luận và sự cạnh tranh về thu phí ngày càng gay gắt thì BT đang dần trở thành hình thức được áp dụng nhiều để thu hút vốn đầu tư tư nhân tại nhiều địa phương. Dù thất thoát nếu có là vô cùng lớn, nhưng dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận.
Thực tế thời gian gần đây, có nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, sau đó đưa ra sơ tuyển, không có nhà đầu tư nào khác quan tâm và nhà đầu tư đề xuất dự án được chỉ định thầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không có nhà đầu tư khác quan tâm là do họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hầu” chi phối.
Bởi vì, người dân không phải bỏ tiền túi thanh toán cho dự án BT. Cái phải trả cho nhà đầu tư là quyền sử dụng đất, và người dân thường ít khi để ý đến nguồn lực quốc gia, tài sản quốc gia, coi đó như là của công, không ảnh hưởng gì đến mình.
Hiện các dự án BT không sử dụng ngân sách, nhưng Nhà nước phải sử dụng nguồn lực công là đất đai để đánh đổi cho nhà đầu tư. Rủi ro, thất thoát xuất hiện khi có lợi ích nhóm, sân sau, định giá rẻ nguồn lực công này.
PV: Từ những thất thoát, sai phạm ở các dự án BT mà Thanh tra Chính phủ mới công bố, dư luận hoài nghi, phải chăng có những khuất tất của lợi ích nhóm?
PGS.TS Ngô Trí Long: Thực tế thời gian gần đây, có nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, sau đó đưa ra sơ tuyển, không có nhà đầu tư nào khác quan tâm và nhà đầu tư đề xuất dự án được chỉ định thầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không có nhà đầu tư khác quan tâm là do họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hầu” chi phối.
Không ít dự án BT do nhà đầu tư đề xuất khởi phát từ việc nhà đầu tư nhắm đến một khu đất nào đó, gặp lãnh đạo địa phương, “hai bên” vẽ ra một dự án công nào đó để có cớ dùng khu đất này hoàn vốn. Và khi đó, việc định giá quyền sử dụng đất, cũng như định giá chi phí công trình nếu không chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn đến cơ hội kiếm chác cho cả doanh nghiệp và cán bộ Nhà nước.
Ví dụ như một nhà đầu tư thực hiện một dự án BT để được quyền sử dụng một vị trí đất đẹp. Nhà đầu tư đề xuất dự án làm con đường phục vụ xã hội theo hình thức BT và nhà đầu tư tự bỏ vốn 100 tỷ VNĐ để xây dựng.
Sau khi xây dựng xong họ sẽ bàn giao con đường cho Nhà nước, đổi lại nhà đầu tư được quyền sử dụng một diện tích đất để phát triển dự án bất động sản cao cấp. Sau đó, giá trị quyền sử dụng đất được đổi không phải là 100 tỷ VNĐ, mà thực chất giá thị trường là 500 tỷ VNĐ. Nhà đầu tư đã hưởng khoản chênh lệch 400 tỷ VNĐ từ việc định giá đất rẻ trong dự án BT này. Đó là chưa kể việc thất thoát định giá công trình không biết chuẩn xác chưa. Để thực hiện được kế hoạch này, nhà đầu tư phải kết hợp với “thân hữu”, cơ quan Nhà nước phê duyệt dự án sẽ được chia sẻ lợi ích.
PV: Cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" tạo ra những "lỗ hổng" tham những như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” có các lỗ hổng tạo ra nguy cơ tham nhũng, đó là: Giá trị của hạ tầng do ai xác định, giá dự toán có kiểm soát chặt chẽ không, có đánh giá chất lượng, nghiệm thu nghiêm túc không? Giá hạ tầng dường như được tính theo dự toán trên giấy của dự án đầu tư. Giá đất để đổi lấy hạ tầng lại được tính khi chưa có hạ tầng, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Đúng ra, giá đất phải được định giá theo thị trường sau khi có hạ tầng.
Nghiên cứu tham nhũng trong quản lý đất đai đã chỉ ra tham nhũng lớn nhất trong quản lý đất đai hiện nay là do cơ chế giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định.
Cùng với những lỗ hổng đó là việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Điều này được chỉ ra qua kết quả thanh tra của Bộ KH&ĐT và mới đây của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố Kết luận thanh tra tại 7 dự án BT về giao thông, môi trường của Hà Nội giai đoạn 2008 – 2012, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các dự án BT nói trên đã bị “phanh phui”.
Thực tế là đến thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT về giao thông, môi trường của Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, còn 14 dự án được UBND TP. Hà Nội chỉ định nhà thầu vì lý do dự án “cấp bách”, “cấp thiết” song không thực hiện đúng quy trình quy định và không có hồ sơ tài liệu chứng minh mức độ cấp bách, cấp thiết này.
Với BT, trong các quy định trước đây, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng xong chuyển giao cho Nhà nước và được Nhà nước thanh toán bằng tiền hoặc bằng đất. Theo đó, tính đến thời điểm cuối năm 2015, thành phố có 7 dự án BT được hoàn thành nói trên với tổng mức đầu tư khoảng 11.728 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án được Hà Nội “thanh toán” bằng gần 440ha đất đối ứng.
PV: Tình trạng này sẽ gây ra hậu quả thế nào, thưa PGS?
PGS.TS Ngô Trí Long: Từ những thất thoát đó, đã nảy sinh những hệ quả tiêu cực đối với kinh tế, xã hội. Đó là thiệt hại về kinh tế của Nhà nước. Tài nguyên đất đai của toàn dân bị coi rẻ. Ngân sách nhà nước bị thất thu. Tôi cho rằng đây là thiệt hại rất nặng nề về kinh tế. Nếu chúng ta coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân với những gì tốt đẹp nhất thì lúc này hệ thống quản lý ở địa phương cấp tỉnh đã làm mất hết.
Họ dựa vào chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để chuyển giá trị đó cho các nhà đầu tư tư nhân bằng các quyết định hành chính do họ ký. Hệ quả tiêu cực thứ hai là hậu quả thiệt hại về bền vững xã hội của đất nước. Dễ thấy là với cách làm như vậy sẽ tạo một môi trường đầu tư không minh bạch, thiếu công bằng.
Nhiều “đại gia có quan hệ thân hữu” sẽ thắng rất lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên khó khăn. Người nông dân bị mất đất nhiều hơn, không chỉ mất đất để xây dựng hạ tầng mà còn mất đất để đem đổi lấy hạ tầng đó nữa, họ bị chịu thiệt thòi nhiều, không chỉ khó khan mà còn rất cô đơn
PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để triệt tiêu tận gốc những lỗ hổng gây sai phạm đó?
PGS.TS Ngô Trí Long: Bài học về nguy cơ tham nhũng trong “đổi đất lấy hạ tầng” ở nước ta không thể không nhắc tới sự việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào nửa đầu những năm 1990. Từ những sai phạm trên đã đến lúc cần xem xét kỹ lại các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động đầu tư theo hình thức công tư nói chung và BT nói riêng, từ đó có giải pháp chặn tham nhũng, tiêu cực.
BT thật sự cần thiết khi ngân sách Nhà nước khó khăn, Nhà nước cần doanh nghiệp “tạm ứng vốn” để phát triển hạ tầng đất nước nhưng nó phải đi kèm với sự kín kẽ và hợp lý của các quy định pháp luật, để hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” này không bị lợi dụng.
Phải giải quyết được tận gốc chính là phải chống được lợi ích nhóm. Những thất thoát của dự án BT không phải phát sinh từ quy trình đấu thầu, từ bản chất của hình thức hợp đồng đầu tư này, mà từ cách thức thực hiện. Dù đã có những quy định về lập dự toán công trình, về xác định giá trị đất, thế nhưng vấn đề định giá công trình, giá trị quỹ đất trong dự án BT còn phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện, vào chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Lợi ích nhóm cũng từ con người. Nếu lập dự toán công trình chính xác và định giá đúng quỹ đất hoàn vốn từ đầu thì dù có chỉ định thầu cũng không xảy ra thất thoát. Nếu ngay từ đầu tính toán chi phí không sát thì dù có cạnh tranh, có giảm giá xuống đi nữa, thì vẫn thiệt hại. Những rủi ro thất thoát BT càng dễ nảy sinh nếu hạn chế công khai dự án, lạm dụng chỉ định thầu, né đấu thầu.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ vi phạm trong việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư. Xử lý trách nhiệm của các nhà thầu tư vấn vi phạm tại các bước khảo sát, lập dự án đầu tư và tư vấn thẩm tra dự toán thiết kế sau thiết kế cơ sở và tư vấn thẩm tra tổng mức đầu tư để giảm trừ giá trị thanh toán hợp đồng tư vấn theo quy định.