Aa

Đổi đất lấy hạ tầng: “Đừng bán rẻ tài sản của dân chỉ để làm lợi cho một số ít người”

Thứ Tư, 24/05/2017 - 01:01

Đó là quan điểm của bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội khi trao đổi với Reatimes về những bất cập trong công tác thực hiện các dự án đổi đất lấy hạ tầng hiện nay trên khắp cả nước.

PV: Thưa bà, những năm qua tại nhiều địa phương trong cả nước rộ lên phong trào đổi đất lấy hạ tầng. Tại Hà Nội, mới đây Tasco xây dựng tuyến đường dài 3,5km được đổi 70ha đất. Tại TP. Nha Trang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn cũng được giao khai thác một phần quỹ đất ở khu sân bay Nha Trang (cũ) khi triển khai một số dự án giao thông theo hình thức BT. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An: Trước hết trong lĩnh vực nào cũng vậy, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, việc xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội là cần thiết nhưng phải tổ chức thế nào cho đúng để hài hòa lợi ích của Nhà nước, dân và doanh nghiệp. Trong quá trình xã hội hóa, cần giám sát chặt chẽ.

Trở lại chuyện đổi đất lấy hạ tầng, tại sao lại có sự đánh giá chênh lệch thế, đổi không ngang giá như vậy? Vấn đề ở đây phải xác định đất là sở hữu của toàn dân, là thứ vô cùng quý giá cho nên đã đổi thì phải ngang giá chứ không thể quá chênh lệch.

Trong quá trình triển khai vừa qua, ở nhiều vùng, nhiều nơi dân kêu ca rất nhiều. Tức là sự đổi không ngang giá. Việc đổi không ngang giá này sẽ đẩy phần thiệt về phía nhân dân và chính quyền, còn phần lợi về phía doanh nghiệp.

Việc ưu tiên cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng phải làm sao để lợi ích hài hòa giữa hai bên không để bên nào thiệt, vì vậy cần tiến hành đổi phải ngang giá.

Muốn đổi ngang giá thì phải đấu giá công khai, công bố tất cả chi tiết của khu cần đấu giá. Ví dụ, vị trí, giá trị khu đất hiện tại là bao nhiêu...

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH Hà Nội.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH Hà Nội.

PV: Nói như bà thì rõ ràng là cách làm của nhiều địa phương trong vấn đề đổi đất lấy hạ tầng đang có vấn đề?

Bà Bùi Thị An: Ở đây tôi không đặt vấn đề có gì ở đằng sau không nhưng nhân dân kêu rất nhiều vì việc đổi không ngang giá và đẩy thiệt về nhân dân, Nhà nước.

Người dân đang bảo rằng có gì đằng sau. Tôi không kết luận có tiêu cực, tham ô hay không nhưng dân kêu rất nhiều. Rõ ràng, việc đổi không ngang giá là có vấn đề.

Vì sao lại có chuyện đổi không ngang giá, phải làm rõ để minh bạch và phải làm rõ ai ký quyết định đổi không ngang giá để quy trách nhiệm, vì đất đó không phải của cá nhân người ký. Những người đó chỉ được giao trách nhiệm quản lý, còn đất là sở hữu của toàn dân, của Nhà nước.

Tôi chỉ kiến nghị là nếu đã sai rồi thì phải chỉnh sửa, không để thất thoát tài sản của Nhà nước và của dân. Đất nước ta đang rất nghèo, nợ công cao cho nên đừng bán rẻ tài sản của dân để chỉ làm lợi cho một số người.

PV: Thưa bà, xung quanh câu chuyện triển khai các dự án BT, một số chuyên gia BĐS cho rằng, việc doanh nghiệp BĐS đứng ra thi công tuyến đường và được tự ý “vẽ” ra kinh phí sẽ khiến giá trị tuyến đường bị đẩy lên cao một cách vô lý, mục đích là để chính quyền giao cho nhiều đất hơn. Quan điểm của bà về việc này thế nào?

Bà Bùi Thị An: Bây giờ vấn đề là phải định giá cho đúng. Đây là tài sản của dân, của Nhà nước thì phải định giá cho đúng chứ không thể đưa ra giá quá thấp để doanh nghiệp được lợi khoản đó.

Tôi khẳng định lại, việc xã hội hóa là cần thiết nhưng phải có giám sát, có tổ chức để xã hội phát triển bền vững chứ không phải là xã hội hóa để làm lợi cho nhóm người.

Tôi không đi vào dự án cụ thể nhưng tôi đề nghị phải rà soát từng dự án, thậm chí phải có giám sát chuyện này. Ví dụ, như giám sát xem định giá có đúng không, bán thế nào...?

Chuyện này làm rất dễ, vì vậy tôi đề nghị phải có giám sát tất cả các dự án và phải có công bố công khai. Nếu sai thì phải sửa và dừng lại. Không thể bảo đã ký rồi thì dứt khoát phải làm. Khi có giám sát và công bố công khai thì sẽ bật được ra dự án nào có tham ô, tham nhũng.

Tôi chỉ kiến nghị là nếu đã sai rồi thì phải chỉnh sửa, không để thất thoát tài sản của Nhà nước và của dân. Đất nước ta đang rất nghèo, nợ công cao cho nên đừng bán rẻ tài sản của dân để chỉ làm lợi cho một số người.

PV: Theo bà, để giám sát các dự án này, chúng ta phải làm thế nào?

Bà Bùi Thị An: Như tôi đã đề nghị, bây giờ phải giám sát, đánh giá lại các dự án này. Nếu không thì Mặt trận tổ quốc cần vào cuộc giám sát, đánh giá lại, công bố công khai dự án này thế nào. Dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt, nguyên nhân, bất cập thế nào? Nếu sai, phải kiên quyết sửa để giữ tài sản cho dân.

Lúc này đất nước ta đang cần vốn liếng, nguồn lực để phát triển bền vững cho nên dứt khoát phải có giám sát, đánh giá chứ không thể vì chuyện đã lỡ rồi mà bỏ qua.

Thực ra chủ trương của ta từ trước đến nay là đúng nhưng khâu thực hiện chưa chuẩn nên đề nghị có đánh giá, giám sát lại xem những bất cập ở đâu để nếu sai thì phải sửa.

Khi đã có giám sát, nếu đồng chí nào giao, phát hiện có tiêu cực thì phải giải trình. Đây không phải là tài sản cá nhân mà là của Nhà nước, của dân cho nên ai đã giao sai thì phải giải trình trước công luận. Nếu anh không giải trình được thì phải chịu trách nhiệm.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Liên quan đến việc triển khai các dự án BT, mới đây báo chí đưa tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn vừa đầu tư hơn 725 tỷ đồng xây dựng 9 đoạn đường và nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang cũ.

Đổi lại Phúc Sơn được khai thác một phần quỹ đất ở khu sân bay Nha Trang (cũ) để đối ứng cho dự án giao thông này, theo hình thức hợp đồng BT.

Mảnh đất sân bay Nha Trang (cũ) có quy mô diện tích rộng gần 187ha, là khu “đất vàng” quy mô rộng lớn duy nhất nằm trong trung tâm thành phố, tiếp giáp với tuyến đường mặt biển Trần Phú. Chủ trương của tỉnh Khánh Hòa là di dời sân bay ra khỏi thành phố, mảnh đất được quy hoạch thành Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang.

Theo tìm hiểu, khu đất được định giá khoảng 12.000 tỷ, chủ trương của Nha Trang là dùng quỹ đất này để đối ứng cho các dự án BT đang và sẽ triển khai.

Dự án của Phúc Sơn được cho là có quy mô 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập với số vốn lên tới 10.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, Khánh Hòa còn chấp thuận giao cho cho tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư 2 khu đô thị khác là Phúc Khánh 1 và Phúc Khánh 2 tại TP Nha Trang, đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Tổng quy mổ dự án phúc khánh 1 rộng 12,6 ha phúc khánh 2 rộng 49,1 ha, với các loại hình nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, khu tái định cư, nhà phố liền kề, biệt thự nằm dọc trục đường Cao Bá Quát –Cầu Lùng. Tổng mức đầu tư của 2 KĐT khoảng 1000 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top