Aa

Vụ cầu vượt “bịt” đường Phương Canh: Sở GTVT Hà Nội đã thẩm định hồ sơ thiết kế?

Thứ Ba, 16/05/2017 - 21:01

“Tất cả các dự án nói chung khi lập dự án, đơn vị tư vấn đều phải khảo sát thực địa, hiện trạng và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế. Đối với dự án cầu vượt đường sắt qua đường Phương Canh đã đươc Sở GTVT Hà Nội thẩm định hồ sơ thiết kế tại văn bản số 83/GTVT-TĐ ngày 26/6/2008”, đại diện Tasco cho biết.

Như Reatimes đã phản ánh, tuyến đường Lê Đức Thọ đến đường 70 (Lê Đức Thọ kéo dài) thuộc quận Nam Từ Liêm do Công ty CP Tasco làm chủ đầu tư đã chính thức đưa vào sử dụng vào ngày 28/4 vừa qua. Tuy nhiên, việc thiết kế cầu vượt, phân luồng giao thông tại nút giao tuyến đường mới này với đường Phương Canh đang khiến người dân bức xúc.

Phương Canh trước đây là tuyến đường dân sinh thẳng tắp, góp phần giảm tải ùn tắc giao thông trên địa bàn Nam Từ Liêm nói riêng và Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, sau khi cầu vượt đường sắt tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài được xây dựng, thông xe và đưa sử dụng (28/4 vừa qua), người dân lưu thông qua đây rất bức xúc vì bị cầu vượt do Tasco xây dựng cắt đôi đường Phương Canh, biến đường thằng thành đường vòng.

Theo phản ánh của nhiều người dân, trước kia đường Phương Canh là một đường thẳng. Tuy nhiên, cầu vượt được xây lên đã chặn việc đi thẳng của người dân.

"Tôi nghĩ rằng Tasco đã thiếu đầu tư nghiên cứu trong vấn đề thiết kế cầu vượt này. Hoặc do Tasco muốn giảm chi phí một nhịp cầu dẫn khiến đường Phương Canh bị cắt đôi, buộc người dân phải đi vòng để trở lại đường cũ, gây rất nhiều bất tiện và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao", anh T., một người dân thường xuyên lưu thông qua đường Phương Canh bức xúc nói.

Trước phản ánh trên, mới đây, trả lời Reatimes, đại diện chủ đầu tư tuyến đường là Công ty Tasco cho biết, việc thiết kế tuyến đường và cầu vượt đường sắt được thực hiện theo chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 đã được UBND Thành phố chấp thuận tại Quyết định số 60/2002/QĐ-UBND ngày 22/4/2002. Do đó, Tasco đã tuân thủ thực hiện đúng theo quyết định của Thành phố.

“Tất cả các dự án nói chung khi lập dự án, đơn vị tư vấn đều phải khảo sát thực địa, hiện trạng và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế. Đối với dự án cầu vượt đường sắt qua đường Phương Canh đã đươc Sở Giao thông vận tải Hà Nội thẩm định hồ sơ thiết kế tại văn bản số 83/GTVT-TĐ ngày 26/6/2008”, đại diện Tasco cho biết. 

Sau khi được xây dựng cầu vượt đường sắt tuyến Lê Đức Thọ kéo dài đã

Sau khi được xây dựng cầu vượt đường sắt tuyến Lê Đức Thọ kéo dài đã "bịt" mất đường Phương Canh, chia tách tuyến đường này làm đôi. Ảnh: Kháng Trần

Đáng chú ý, tại văn bản trên, trả lời câu hỏi của Reatimes về việc để đường Phương Canh không bị chia làm đôi, một số ý kiến cho rằng, đơn vị thi công, xây dựng có thể rút bớt hoặc làm thêm một nhịp cầu để đường không bị chia cắt phải đi vòng như hiện nay, đại diện Tasco chỉ nói: “Việc thi công xây dựng phải tuân thủ chặt chẽ theo hồ sơ thiết kế đã được Sở GTVT thẩm định như trên”.

Đề cập đến việc dự án trước khi thông xe vào ngày 28/4 vừa qua đã chậm tiến độ 7 năm, đại diện Tasco cho biết, dự án này trước đây được tạm dừng do thay đổi quy hoạch của Thành phố và đã được chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến hết tháng 12/2018. Do đó, không thể nói Tasco thực hiện chậm tiến độ. 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Reatimes , PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc cầu vượt đường sắt “bịt” đường Phương Canh có thể do trong quá trình khảo sát thiết kế chưa tốt, khả năng tính toán kém nên mới để xảy ra tình trạng trên.

“Để tránh bịt đường cũ, chủ đầu tư có thể nới thêm một nhịp để người dân đi lại đường dân sinh trước đây vẫn có thể lưu thông qua gầm cầu mà không phải đi đường vòng. Tuy nhiên, có thể quá trình thiết kế cầu, doanh nghiệp này không khảo sát cẩn thận các vị trí đặt trụ cầu và đường dẫn lên – xuống, đặt sai vị trí nên gây cản trở giao thông, làm cho tuyến đường cũ đi lại khó khăn, nguy hiểm hơn”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, đường Phương Canh là đường dân sinh vẫn tồn tại từ trước, vì vậy, việc xây cầu vượt “bịt” đường đi thẳng của người dân là do lỗi của chủ đầu tư.

“Thiết kế cầu đường là phải tạo cho người dân đi lại thuận lợi hơn, đằng này lại tạo ra việc đi lại vòng vèo thì vô lý và rất bất hợp lý”, ông Hùng nói.

Reatimes sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top