Theo Bộ Xây dựng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được khoảng 12,5 triệu m2 sàn NƠXH, đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở. Nhưng đến thời điểm hiện tại, việc phát triển hệ thống NƠXH mới chỉ hoàn thành khoảng 33%.
Còn theo dự báo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến năm 2020 nhu cầu về nguồn vốn vay để mua NƠXH cần khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ mới bố trí được khoảng trên 2.300 tỷ đồng cho nhu cầu này. Do đó, chính sách về vốn vay mua NƠXH được đánh giá là đang gặp khá nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ.
Vậy làm thế nào để cân đối được nguồn vốn cho NƠXH trong khi nguồn vốn ngân sách lại đang khó khăn? Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thu hút các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào xây dựng NƠXH là một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng thiếu vốn hiện nay.
Nhưng cần phải lựa chọn những chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt, để có thể tự triển khai được dự án, chứ không phải thu hút các thành phần tư nhân sau đó lại chờ đợi vào nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực tài chính để cho vay xây dựng các dự án NƠXH. Từ đó dẫn đến sự “ỷ lại” của nhiều chủ đầu tư, khiến cho các dự án triển khai chậm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng khẳng định: “Đến nay, Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện chính sách NƠXH. Các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cũng chưa thể tham gia thực hiện chính sách NƠXH do chưa được tái cấp vốn ngân sách Nhà nước.”
Điều đáng nói, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 102 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong đó dành một phần khoảng 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách NƠXH.
Nhưng trên thực tế, đa số các đối tượng thụ hưởng NƠXH chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Việc tiếp cận vốn vay mua NƠXH tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ NƠXH thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng, trong lúc Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay.
Trên cơ sở đó, HoREA kiến nghị Quốc hội bổ sung "Chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Điều 7 Nghị quyết số 1023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Các chương trình mục tiêu", bao gồm 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách NƠXH hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2019, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa để phát triển NƠXH, có thể lồng ghép các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới... điều chỉnh một phần nguồn vốn từ các nguồn này để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện làm vốn vay mua NƠXH.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể xem xét, bố trí nguồn vốn dự phòng để bù lấp khoảng trên 15.700 tỷ đồng vốn cho phát triển NƠXH đang còn thiếu đến năm 2020./.