Aa

“Đòn bẩy” nào giúp thị trường BĐS bứt phá những tháng cuối năm?

Thứ Tư, 13/09/2017 - 06:00

Nhiều chuyên gia BĐS đã có những nhận định khá lạc quan về thị trường BĐS những tháng cuối năm 2017. Theo đó, thị trường sẽ dịch chuyển theo hướng tích cực, ổn định dựa vào “sức bật” từ bức tranh thị trường đầu năm.

Nửa đầu năm sôi động

Trái với dự đoán của nhiều đơn vị khi cho rằng thị trường BĐS sẽ khó khăn trong năm 2017, trải qua hơn nửa năm, thị trường dù có nhiều biến động, nhưng vẫn thể hiện xu hướng phát triển bền vững. 

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm có 8.200 doanh nghiệp xây dựng mới được thành lập, số lượng doanh nghiệp thuộc khối kinh doanh BĐS là 2.300 doanh nghiệp. Như vậy, mỗi ngày có đến 13 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS được thành lập mới.

Riêng ở TP.HCM, báo cáo kinh tế 8 tháng đầu năm 2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 8 tháng qua, TP.HCM có 26.614 doanh nghiệp thành lập mới. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh BĐS chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,4%, số vốn đăng ký lên tới 148.396 tỷ đồng.

Cùng với số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh mẽ, thị trường BĐS nửa đầu năm cũng chứng kiến dòng vốn ngoại đang ồ ạt đổ về. 

Mỹ đã vượt qua Singapore đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM

Mỹ đã vượt qua Singapore đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM

Cụ thể, báo cáo của JLL cho thấy thị trường BĐS đã thu hút được 19,2 tỷ USD vốn FDI, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, 8 tháng 2017, TP cũng thu hút 788,19 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, không kể góp vốn, mua cổ phần), trong đó hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 15,4% (122 triệu USD). Đặc biệt, Mỹ đã vượt qua Singapore, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM với 249,28 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 32,1% tổng vốn FDI đăng ký vào TP.HCM trong 8 tháng.

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, việc gia tăng các doanh nghiệp BĐS thành lập mới, cộng với thu hút FDI tăng cao mang lại kỳ vọng về một “cú hích” lớn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS TP.HCM những tháng cuối năm, giúp tạo ra nhiều nguồn cung mới cho thị trường.

Thực tế thị trường thời gian qua đã thể hiện rằng, mặc dù nguồn cung các phân khúc tăng mạnh mẽ, tỷ lệ giao dịch có giảm so với năm 2016 nhưng số lượng giao dịch vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. Phân khúc đất nền ở cả Hà Nội và TP.HCM đều có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như đất nền khu vực phía Tây Hà Nội có sự tăng trưởng nhẹ thì tại TP.HCM, đất nền các quận huyện vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ cũng ghi nhận biến động tăng giá. Thực tế này phần nào tạo động lực để các nhà đầu tư tin rằng, ít nhất trong những tháng còn lại của năm, thị trường sẽ không có nhiều dao động.

Báo cáo thị trường mới đây của HoREA cũng cho biết, dù năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại, nhất là trong phân khúc căn hộ cao cấp từ 3 phòng ngủ trở lên và BĐS du lịch nghỉ dưỡng, nhưng nhìn toàn cục, thị trường vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định.

Tín hiệu tốt cuối năm

Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm cũng như 6 tháng cuối năm có xu thế tổng quát là phát triển ổn định, bền vững. Có một số phân mảng sôi động như nhà giá thấp, condotel, office-tel, timeshare, nhà diện tích nhỏ, khu du lịch nghỉ dưỡng... nhìn chung trên bình diện tổng thể là ổn định. 

trong những tháng cuối 2017, thị trường sẽ có những dịch chuyển theo hướng tích cực, bởi nhu cầu mua nhà của người dân thường tăng cao trong thời gian này.

Trong những tháng cuối 2017, thị trường sẽ có những dịch chuyển theo hướng tích cực, bởi nhu cầu mua nhà của người dân thường tăng cao trong thời gian này.

Còn theo dự báo của HoREA, trong những tháng cuối 2017, thị trường sẽ có những dịch chuyển theo hướng tích cực, bởi nhu cầu mua nhà của người dân thường tăng cao trong thời gian này.

Đặc biệt, đánh giá về diễn biến thị trường BĐS từ năm 2006 đến nay, HoREA cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, dự báo thị trường địa ốc sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ, tái cơ cấu sản phẩm để giải quyết hiện tượng lệch pha cung - cầu.

Theo đó, thị trường sẽ có chuyển pha nguồn cung từ phân khúc BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng, sang phân khúc nhà ở, căn hộ vừa và nhỏ, có giá vừa túi tiền. Đây là phân khúc hiện có sức cầu rất lớn và có thanh khoản cao.

Có cái nhìn khá lạc quan về diễn biến thị trường cuối năm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills cho biết, Việt Nam đang có khoảng hơn 82.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc, cùng hơn 4 triệu kiều bào, trong đó có nhiều người có mối quan tâm đặc biệt tới việc về nước mua nhà sinh sống. Nhu cầu này sẽ tăng lên vào cuối năm, khi lượng kiều bào về nước đông, đây sẽ là cơ sở để BĐS thương mại tăng trưởng.

Theo ông Khương, nửa cuối năm 2017, thị trường BĐS sẽ có bước tăng trưởng ổn định, trong đó, hai phân khúc phát triển mạnh là nhà ở và nghỉ dưỡng.

"Việc tăng giá BĐS vẫn ở mức tăng nhẹ, và phụ thuộc chủ yếu vào vị trí dự án, chưa tạo thành xu hướng rộng khắp trên toàn thị trường và có gia tốc theo thời gian... Tuy nhiên, sự khởi sắc của phân khúc thị trường này còn phụ thuộc vào sự khởi sắc chung của thị trường BĐS cũng như các loại hình thị trường khác", ông Khương cho biết.

Một tín hiệu vui khác cũng được giới kinh doanh địa ốc phát đi là sắp tới đây, nhiều ngân hàng nới room (khối lượng chứng khoán mà Nhà đầu tư nước ngoài được phép mua - PV) tín dụng và lãi suất cho vay có thể giảm. Điều này là có cơ sở, bởi lạm phát đang được kiểm soát, trong khi thanh khoản của các nhà băng đang dồi dào, dựa trên căn cứ như số dư tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước vẫn tiếp tục còn ở mức cao tại hệ thống ngân hàng thương mại; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua USD để tăng dự trữ ngoại hối. Hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn hiện giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, từ 0,6 - 1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6 và giảm từ 3 - 4 điểm phần trăm so với đầu năm.

Ngoài những điểm sáng từ khả năng thu hút FDI, nhu cầu người mua nhà hay khả năng ngân hàng giảm lãi suất cho vay, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có xử lý các tài sản đảm bảo là dự án BĐS (chiếm 60 – 70% tài sản đảm bảo) có hiệu lực từ 15/8/2017 cũng sẽ là “đòn bẩy” giúp thị trường BĐS bứt phá trong những tháng cuối năm 2017.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Nghị quyết xử lý nợ xấu có hiệu lực không chỉ giúp giải quyết được khối nợ xấu khoảng 300.000 tỷ đồng, mà còn giúp nhiều dự án BĐS là tài sản đảm bảo được giải thoát, tạo ra nguồn hàng dồi dào cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A).

TS. Đinh Thế Hiển từng trả lời trên truyền thông rằng, thị trường BĐS nửa cuối năm 2017 vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhưng sẽ phân hóa mạnh và đi vào sự lựa chọn dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính của nhà đầu tư.

"Thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2017 sẽ không có xu hướng rõ rệt, cơ hội sẽ đến theo từng dự án cụ thể. Trong đó, những căn hộ trung, cao cấp có vị trí tốt vẫn là sự lựa chọn hợp lý với những người có năng lực tài chính", TS. Đinh Thế Hiển cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top