Lợi thế này sẽ còn được nhân lên nhờ những nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 thành công. Tuy nhiên, cơ chế, thủ tục và nhiều yếu tố nội tại đang là điểm nghẽn và nếu không sớm được thay đổi thì cơ hội sẽ vuột đi.
Từ năng lực đón sóng
“Cơ hội để Việt Nam đón làn sóng đầu tư từ các DN FDI đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc là rất lớn, song để tận dụng được cơ hội này, vấn đề cốt lõi chính là năng lực và khâu chuẩn bị của Việt Nam về thể chế, chính sách”, PGS.TS.Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết.
Theo quan sát của PGS.Trần Đình Thiên, Trung Quốc đã vươn lên rất nhanh và có được kết quả ấy là suốt hơn 40 năm, các nguồn lực từ bên ngoài đổ vào Trung Quốc rất nhiều, trong đó nguồn lực quan trọng nhất là sự tham gia của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia. Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở Trung Quốc thì không rõ dòng chảy vốn đầu tư bên ngoài rót vào Trung Quốc sẽ kéo dài đến khi nào.
Nhắc lại câu chuyện ở Trung Quốc để thấy Việt Nam nên làm gì, cần làm gì để đón được dòng dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Việt Nam có nhiều điểm sáng và lợi thế trong việc thu hút FDI. Lợi thế càng được nhân lên khi Việt Nam nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh. “Giữa lúc thế giới bất ổn gia tăng và bắt đầu suy giảm tăng trưởng thì Việt Nam vẫn tăng trưởng, kinh tế khôi phục trở lại, kinh tế vĩ mô ổn định”, PGS.Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có trình độ thấp trong chuỗi cung ứng sản xuất và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đón làn sóng dịch chuyển FDI. Trong khi bên cạnh những cơ hội, làn sóng FDI cũng mang đến nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế nều như không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đó là nguy cơ những DN nhỏ lẻ, công nghệ thấp chuyển dịch khỏi Trung Quốc sẽ vào Việt Nam, còn các tập đoàn lớn thì rất ít.
Gần đây sự nóng lên của bất động sản công nghiệp tuy là dấu hiệu tốt cho một cơ hội đầu tư mới. Nhưng sự nóng lên của phân khúc này, theo ông Thiên, có thể là do đầu cơ, do các DN FDI nhỏ lẻ vào; điều đó khiến cho các tập đoàn lớn vào sau có thể lại bị thiếu quỹ đất. “Khi làn sóng FDI mới đổ bộ vào Việt Nam, năng lực đón sóng đầu tư của chúng ta chưa được cải thiện thì sẽ dẫn đến hệ quả là phần “nguy” nhiều hơn “cơ”, nghĩa là sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế”, vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng lưu ý.
Đến chủ động săn đại bàng
Một vị thành viên khác của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - TS.Võ Trí Thành cũng lưu ý: “Thế giới đang thay đổi nhanh, bất định. Dòng đầu tư đang dịch chuyển, nên nếu không chủ động là chúng ta không nắm, không tận dụng được”.
Rõ ràng khi dòng đầu tư, dòng sản xuất rục rịch dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chạy đua cạnh tranh thu hút đầu tư, nên Việt Nam cũng có nhiều “đối thủ”. Muốn vượt lên trong cuộc đua này, Việt Nam phải có một loạt cải cách mang tính tổng thể tốt hơn, như cải cách thể chế và các quy định cho FDI, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cạnh tranh công bằng, gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan và khắc phục tình trạng tham nhũng, cải thiện kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu cao hơn của nhà đầu tư chất lượng cao...
Theo các chuyên gia, để sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế này, cần tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, để nhà đầu tư hiểu rõ hơn Việt Nam, thông tin tốt sẽ hỗ trợ cho những quyết định mới của họ. Đặc biệt, muốn săn “đại bàng”, phải tích cực trong chủ động chứ không phải là tích cực trong bị động, tức là cần chủ động tăng tốc cùng với cải thiện chính mình và chủ động mới gọi họ vào Việt Nam chứ không đơn thuần là dọn chỗ, để họ nhìn thấy và tự đi vào.
“Nếu chúng ta chậm, chuẩn bị không tốt sẽ không tìm được đại bàng chỉ đón được chim sẻ”, TS.Võ Trí Thành nói. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đặt được ra chiến lược tốt, kế hoạch tốt, giải pháp tốt nhưng thực hiện chậm.
Tinh thần chủ động, chuẩn bị tốt để đón đại bàng đã được thể hiện và khẳng định tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về giải pháp thu hút FDI ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt sẽ được thành lập để đón làn sóng đầu tư mới này, để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. Thủ tướng cũng yêu cầu lập đề án về các giải pháp để thu hút FDI sau đại dịch Covid-19.
Thủ tướng nhấn mạnh: Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Chúng ta phải thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Vì thế cần có các biện pháp, cách làm thiết thực, để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng.