Aa

Đông Anh sắp lên quận, xử lý thế nào với những dự án “đắp chiếu“ nhiều năm?

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Tư, 31/05/2023 - 11:29

TS.KTS Trương Văn Quảng: "Có nhiều hơn một nguyên nhân của tình trạng này, hoặc do sự chậm trễ của các chủ đầu tư, hoặc do vướng mắc chính sách".

Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ra thông báo về một số nội dung về chủ trương đối với kết quả thực hiện Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, đến thời điểm này, huyện Đông Anh đã đầy đủ điều kiện để trở thành quận. Huyện đang thực hiện các bước theo quy trình như: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến cử tri, hoàn thiện hồ sơ... để trình các cấp có thẩm quyền công nhận huyện trở thành quận và các phường thuộc quận.

Theo kế hoạch, huyện sẽ hoàn thành hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền công nhận Đông Anh thành quận và các phường thuộc quận trong năm 2023.

Việc Đông Anh lên quận, sớm nhất trong các huyện được định hướng (cùng với Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì) đã trở thành chủ điểm được thảo luận rộng rãi trên các diễn đàn về bất động sản. Để góp thêm một góc nhìn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

PV: Hà Nội đã có hơn một thập niên "Tây tiến", nhưng giờ đây khu Đông và khu Bắc đang trỗi dậy mạnh mẽ, ông có lý giải thế nào về hiện tượng này?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Thực ra Quy hoạch 1259 (tức Quyết định số 1259 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô – PV) đã xác định không gian Hà Nội được phát triển về phía Đông và phía Bắc, qua sông Hồng. Những năm qua, Hà Nội phát triển mạnh về phía Tây một phần là do các chủ đầu tư ngại qua sông, do thiếu hạ tầng kết nối (chỉ có vài cây cầu bắc qua sông Hồng). Ngoài ra, khu Tây trước kia thuộc Hà Tây nên đã có một số hạ tầng sẵn, có thể tận dụng để phát triển đô thị.

Tuy nhiên, việc phát triển về phía Tây hiện đang có phần chững lại, vì thực tế cho thấy phát triển quá tập trung về phía Tây là không đúng. Nguyên nhân là Hà Nội là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, phải gắn với hành lang kinh tế đô thị, ví dụ Hà Nội gắn với hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, gắn với sân bay Nội Bài… và phải gắn như thế thì Hà Nội mới phát triển được.

ts.kts trương văn quảng
TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes) 

Chúng ta cũng thấy khi hệ thống cầu qua sông Hồng được đầu tư tương đối thì các chủ đầu tư bắt đầu "Đông tiến", "Bắc tiến", trong đó "Đông tiến" mạnh hơn. Vinhomes đã làm Vinhomes Ocean Park 1 hơn 400ha ở Gia Lâm, rồi làm tiếp Vinhomes Ocean Park 2, Vinhomes Ocean Park 3 tại Văn Giang - Hưng Yên. Sở dĩ mở rộng ra cả Hưng Yên vì người ta đã tính toán sức hút đô thị giai đoạn này nghiêng về phía Đông và phía Bắc nhiều hơn. Thực tế, từ mười năm trước đã hình thành khu đô thị sinh thái Ecopark ở Văn Giang - Hưng Yên rồi.

Các dự án của Vinhomes sau đó cũng rất chú trọng tới việc tạo ra môi trường sống tốt. Và điều này tạo ra một sự khác biệt với khu Tây - nơi các chủ đầu tư quá tập trung làm nhà ở mà không tính toán nhiều tới chất lượng sống, không gian đô thị. Người dân sống trong các dự án có môi trường tốt sẽ cảm thấy hạnh phúc, an toàn hơn, vậy đương nhiên sức hút của dân cư của khu vực này cũng tăng lên.

Đối với khu Bắc, mức độ phát triển đô thị chưa mạnh mẽ bằng khu Đông, tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong mô hình phát triển, Thủ đô sẽ theo cấu trúc một đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, đồng thời phát triển thêm mô hình thành phố trong thành phố. Hà Nội đã xác định sẽ có 2 thành phố trực thuộc là thành phố bên bờ Bắc sông Hồng (gồm Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn) và đô thị Hòa Lạc (dựa trên cấu trúc đô thị đã định hình với khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia, Làng văn hóa các dân tộc…, vốn dĩ đã được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội). Như vậy, sự phát triển của khu Bắc cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Tại Đông Anh, có những dự án đang "đắp chiếu" cho cỏ mọc um tùm nhiều năm, trong đó phải kể tới dự án Thành phố thông minh của Tập đoàn BRG và dự án Công viên Kim Quy của Tập đoàn Sungroup. Đây là một sự lãng phí rất lớn, cần sớm có các giải pháp xử lý, cho dù đó là trách nhiệm từ phía chủ đầu tư hay chính quyền.

PV: Ông có thể phân tích sâu hơn về những lợi thế của khu Bắc để trở thành một cực phát triển đô thị của Thủ đô?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Khu Bắc có vị trí rất tốt trong quan hệ vùng, bởi liên quan đến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, gắn với cảng Lạch Huyện, với sân bay quốc tế. Vị trí của khu Bắc hơn hẳn khu Tây rất nhiều. Người ta còn mơ lồng ghép vào đô thị sân bay nữa. Đây có thể là trung tâm mới của Hà Nội bên kia sông Hồng.

Thực ra trước kia quy hoạch cũng đã xác định đây là trung tâm mới của Hà Nội rồi. Giờ, định hướng khu Bắc trở thành thành phố trong TP. Hà Nội thì dư địa phát triển vẫn là rất lớn. Đông Anh hiện có nhiều dự án, đó sẽ là hạt nhân cho sự phát triển đô thị.

Khu Bắc cũng rất gần với các tỉnh công nghiệp như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, xa hơn chút là Bắc Giang, Thái Nguyên. Khi Hà Nội hoàn thành vành đai 4, khu Bắc sẽ còn phát triển hơn nữa. Bất động sản khu Bắc chắc chắn sẽ phát triển. Hiện nay, quan sát cho thấy đang có sự dịch chuyển rồi, nhiều nhà đầu tư đang nhảy vào.

Nếu khu Bắc trở thành thành phố trực thuộc TP. Hà Nội, đó sẽ là một thành phố đầy sức sống, bởi đối diện với nó là đô thị cổ nghìn năm của Hà Nội - một hình ảnh như Thượng Hải của Trung Quốc: Bên này sông Hoàng Phố là Thượng Hải cổ, bên kia sông Hoàng Phố là Phố Đông hiện đại.

Dự án Công viên Kim Quy của Tập đoàn Sungroup và Thành phố Thông minh của Tập đoàn BRG đã "đắp chiếu" nhiều năm. Cần phải sớm làm rõ trách nhiệm tránh lãng phí nguồn lực đất đai. (Ảnh: HN) 

PV: Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy các dự án đô thị ở khu Bắc còn khá chậm chạp trong triển khai…?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Có nhiều hơn một nguyên nhân của tình trạng này, hoặc do sự chậm trễ của các chủ đầu tư, hoặc do vướng mắc chính sách. Hà Nội hiện đang có rất nhiều việc phải làm về quy hoạch. Nhìn chung, Hà Nội có 2 quy hoạch:

Một quy hoạch TP. Hà Nội theo Luật Quy hoạch, một quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quy hoạch 1259).

Hai quy hoạch này đang tiến hành song song. Trong đó, quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch thì xong rồi, còn việc điều chỉnh Quy hoạch 1259 thì mới có báo cáo hội đồng thẩm định thôi, chưa phê duyệt nhiệm vụ, nên tất cả công tác quy hoạch chưa hoàn thiện, chưa đủ cơ sở để triển khai các công tác tiếp theo, vì thế các dự án bị dừng lại. Đó là chưa kể đến việc các quy hoạch lại phải khớp với Luật Thủ đô nữa. Các nhà đầu tư hiện đang trông chờ, nếu được thì sẽ "bung lụa" ngay, nhưng tôi cho là nếu được thì cũng phải khoảng 2024 - 2025.

PV: Ông có góp ý gì cho việc quy hoạch này không, nhất là với khu Bắc?

TS.KTS Trương Văn Quảng: Bản thân Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn vẫn đang là huyện, vẫn phát triển quy hoạch huyện. Nếu thực hiện như thế thì rất phí, bởi thực hiện quy hoạch hiện tại thì nó theo mức độ vùng nông thôn. Và nếu các nhà quy hoạch không cập nhật tư tưởng quy hoạch đô thị thì rõ ràng đánh mất cơ hội, sẽ tạo ra sự vênh nhau./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top