Aa

Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ đường cao tốc xếp gần chót bảng

Thứ Sáu, 25/10/2019 - 19:24

Hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rất kém, trong đó, xét về mật độ xây dựng đường cao tốc, thì cứ mỗi 100.000 dân của vùng này mới có được 200m đường.

Thông tin nêu trên được thể hiện trong tham luận cung cấp tại hội thảo “Rà soát cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL” được tổ chức ở TP. Cần Thơ hôm 25/10.

Trong tài liệu gửi đến hội thảo, ông Trần Nguyên Hà ở Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, chiều dài đoạn tuyến cao tốc vùng ĐBSCL là khoảng 40km, đạt 28% chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020, xếp thứ 5 trên 6 vùng cả nước (chỉ trên khu vực Tây Nguyên).

“Mật độ cao tốc đạt 0,2km (hay 200m đường) trên 100.000 dân là khá thấp”, bài tham luận của ông Hà viết.

Không chỉ yếu kém về đường cao tốc, ông Hà đánh giá, chất lượng mặt đường các tuyến quốc lộ trong vùng như quốc lộ 53, 54, 62, 63… còn khá thấp; tồn tại nhiều đoạn mặt cắt ngang hạn chế, chưa phù hợp với quy hoạch, làm ảnh hưởng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách.

Cụ thể, hệ thống trục dọc phục vụ kết nối nội vùng và liên vùng chưa hoàn thành đầu tư theo quy hoạch, trong đó, tuyến quốc lộ 1 thường xuyên bị quá tải, nhất là vào thời điểm lễ, Tết.

Cứ mỗi 100.000 dân của ĐBSCL mới có được 200m đường cao tốc. Trong ảnh là dự án cao tốc TP.HCM- Trung Lương, dự án duy nhất đang khai thác kết nối về ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Tuyến quốc lộ N1, ngoại trừ đoạn Châu Đốc - Hà Tiên đã được đầu tư theo quy hoạch, thì các đoạn tuyến còn lại hiện khai thác bị gián đoạn trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương có quy mô nhỏ hẹp.

Tuyến N2, hiện vẫn chưa thông xe toàn tuyến theo quy hoạch do một số đoạn tuyến, công trình chưa được bố trí vốn hoặc hoàn thành đầu tư.

Còn với trục kết nối từ TP.HCM đến các địa phương duyên hải của vùng (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), thì chưa liên thông do quốc lộ 60 trên địa bà tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng chưa được đầu tư đồng bộ, cầu Đại Ngãi chưa xây dựng, trong khi cầu Rạch Miễu chỉ có hai làn xe.

Trong khi đó, với các trục ngang phục vụ kết nối nội vùng, kết nối quốc tế và hỗ trợ phân bổ lưu lượng cho các trục dọc, thì chậm được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo quy hoạch như: tuyến Long Xuyên - Tri Tôn - Vàm Rầy; tuyến N1 - Tri Tôn - Núi Sập - Cờ Đỏ - Một Ngàn - Quốc lộ 1 hay các quốc lộ 53, 60, 62 chưa được đầu tư nâng cấp.

Không riêng đường bộ, bài tham luận của ông Hà cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế trong phát triển hạ tầng giao thông đường sông, biển và hàng không của vùng ĐBSCL. Trong đó, với đường hàng không, thì sân bay Cần Thơ chỉ khai thác đạt khoảng 35% công suất thiết kế (đạt hơn 809.000 lượt khách/năm…).

Liên quan đến dự án “Rà soát, cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”, thì dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Quyết định số 2512/QĐ- BGTVT ngày 20/11/2018 và giao Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2020.

Theo đó, TS. Phạm Hoài Chung ở Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết, các kết quả đã đạt được đến nay, bao gồm cập nhật các yếu tố biến đổi khí hậu trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cấp quốc gia (kịch bản năm 2016) đến năm 2019 và chi tiết cho vùng ĐBSCL; đề xuất quy trình và khung hướng dẫn lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Ngoài ra, đã đề xuất lựa chọn các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến nội dung của các quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top