Aa

"Không kết nối hạ tầng, bức tranh kinh tế Việt Nam bị chia cắt thành từng mảnh"

Thứ Tư, 16/10/2019 - 06:30

Đó là nhận định của TS. Vũ Thành Tự Anh khi bàn về vai trò của hạ tầng kết nối và tác động của yếu tố này đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Mật độ hạ tầng kết nối thấp hơn nhiều so với thế giới

Tại Hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới” diễn ra vừa qua, ông Zhiyu Jerry Chen - chuyên gia cao cấp về đô thị nhận định: Hạ tầng kết nối ở Việt Nam đến hiện tại còn nhiều yếu kém. Đặc biệt là hạ tầng giữa các vùng đô thị, các tỉnh, vùng miền kinh tế chưa đạt được hiệu quả kết nối, đồng nghĩa với tính liên kết ngành bị ảnh hưởng, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội cũng bị giảm sút”.

Liên hệ với một số nước phát triển trong khu vực và thế giới như Bangkok, Thượng Hải và Hàn Quốc, ông Zhiyu Jerry Chen khẳng định: Mật độ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và mốc quốc tế đặt ra. Điều này tác động không nhỏ đến quá trình đô thị hóa Việt Nam trong thời gian qua.

Nút giao thông tại Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh minh họa)

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, lịch sử phát triển đô thị Việt Nam những năm qua cho thấy không dễ dàng gì để áp dụng những bài học chuẩn mực về phát triển hạ tầng đô thị từ quốc gia này cho quốc gia khác. Bên cạnh những tính toán có vẻ rất dễ thấy của lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật này là vô số các yếu tố tác động, khó định lượng khác. Tình trạng tắc đường ở các đô thị lớn tại quốc gia phát triển hay các đô thị tại quốc gia đang phát triển hiện nay vẫn là những thách thức chung của thế giới trên con đường tìm kiếm một giải pháp phát triển bền vững cho đô thị.

Việt Nam là đất nước có tốc độ đô thị hóa tăng rất nhanh và vấn đề phát triển hạ tầng đô thị luôn đòi hỏi cấp thiết. Đây cũng là vấn đề chứa đựng nhiều bức xúc chưa được giải quyết. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang đối mặt với các vấn đề về giao thông ùn tắc, thoát nước kém, môi trường đô thị chưa đảm bảo… các đô thị nhỏ lại có những vấn đề về thu hút nguồn lực để phát triển, mâu thuẫn giữa đầu tư hạ tầng và tính hiệu quả, nhiều dự án treo, khai thác kém, dẫn đến hiệu quả kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hạ tầng kết nối yếu là rào cản phát triển đô thị

Theo nhận định của các chuyên gia, một đô thị tốt cần một hệ thống hạ tầng tốt và ngược lại hệ thống hạ tầng đô thị không thể tốt nếu bản thân cấu trúc đô thị bất lợi. Hiện nay ở hai đô thị lớn Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đang bị tình trạng hạ tầng kết nối yếu kém, không theo kịp với sự phát triển của đô thị và công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng đang là đối tượng chính bị chỉ trích.

Cũng bàn về vấn đề trên, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khẳng định sự yếu kém của hạ tầng dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế có sự sụt giảm dù số lượng đô thị tăng: “Trên lý thuyết có hình thành liên kết các đô thị, nhưng trên thực tế thì chưa hình thành được. Ví dụ tháng 12/2017, Thủ tướng quyết định điều chỉnh quy hoạch vùng đô thị TP.HCM tới 2030 tầm nhìn 2050, trong đó có 8 tỉnh, và hệ thống các đô thị từ loại I, II, III. Những đô thị này sẽ được kết nối bởi hạ tầng giao thông, riêng đường cao tốc là 560km, tuy nhiên đến nay mới chỉ làm được 12km. Có nghĩa các đô thị kinh tế và đô thị không kết nối với nhau được, xét về quy hoạch chính sách thì đều có hết nhưng lại không thực thi được, có cũng ì ạch, chậm tiến độ. Trong khi chúng ta không thể phủ nhận vai trò của giao thông kết nối, nếu không làm được thì chắc chắn các đô thị không thể phát triển trong quá trình đô thị hóa, đồng nghĩa kinh tế tăng trưởng kém là đương nhiên”.

Các tuyến đường có tính kết nối vùng được kỳ vọng thường xuyên rơi vào tình trạng chậm tiến độ...

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng chính cấu trúc quy hoạch của đô thị đang tạo sự khó khăn cho phát triển hạ tầng. Đô thị Hà Nội tiêu biểu cho dạng phát triển phi cấu trúc, không thể nhận diện được hệ thống công trình phục vụ công cộng, các công trình xây dựng đan xen một cách ngẫu nhiên với các thành phần khác, theo khả năng tái phát triển của các chủ đầu tư hơn là theo những định hướng bố trí có quy hoạch từ trước. Chính vậy hạ tầng đô thị luôn bị động chạy theo sự hình thành các công trình đó.

Hoặc nếu có quy hoạch hạ tầng trước thì tình trạng đường chưa thông, nhà đã “mọc”, hay kiểu suy nghĩ truyền thống đường ở đâu thì nhà và cửa hàng mọc ở đó vẫn diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt, các tuyến đường vành đai cần được ưu tiên chức năng liên kết toàn đô thị thì lại bị vây quanh dày đặc bởi các công trình dẫn đến quá tải, tốc độ lưu thông giảm sút nghiêm trọng. Thực tế cho thấy tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường dù lớn hay nhỏ, mới hay cũ cho thấy không phải lúc nào công cuộc cải tạo hạ tầng cũng có thể đáp ứng được các dạng phát triển khá tùy tiện như hiện nay.

Có thể với các đô thị nhỏ và trung bình, vấn đề này trước đây không phải là quá quan trọng do bán kính hoạt động của đô thị trong phạm vi nhỏ, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay thì hạ tầng đã bộc lộ nhiều bất lợi nếu muốn kết nối kinh tế giữa các vùng đô thị, thậm chí cả các vùng nông thôn. Do đó bài toán phát triển hạ tầng kết nối làm đòn bẩy cho kinh tế là điều cần trú trọng nếu muốn đô thị hóa diễn ra hiệu quả.

Vì vậy theo các chuyên gia, công tác quy hoạch phải được trú trọng hơn trong quá trình phát triển đô thị. Chỉ khi hạ tầng kết nối hoàn thiện, phát triển thì từ đó mới có thể hy vọng một đô thị được phát triển tốt, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam. Bởi lẽ, “nếu không có sự kết nối về hạ tầng thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ bị chia cắt thành từng mảnh, và dù tất cả các định hướng phát triển đô thị có hay ho đến đâu trên giấy tờ thì đó cũng chỉ nằm trên khổ giấy”, TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top