Aa

Đồng bằng sông Hồng: Mục tiêu tăng trưởng 2 con số

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 14/01/2025 - 13:45

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.

"Nếu vùng Đồng bằng sông Hồng không tăng trưởng 2 con số thì vùng nào tăng trưởng được", Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các đại biểu tập trung bàn các giải pháp để tăng trưởng 2 con số với tinh thần "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đã có quy hoạch rồi thì phải làm đúng quy hoạch, đặc biệt là khai thác các không gian mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm… để phục vụ phát triển đất nước.

Đồng bằng sông Hồng: Mục tiêu tăng trưởng 2 con số- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, vùng Đồng bằng sông Hồng ghi nhận những kết quả kinh tế ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,9%, vượt mức bình quân chung cả nước (7,09%), xếp thứ 2 cả nước. Có 4 địa phương trong vùng tăng trưởng 2 con số, nằm trong top 10 của cả nước, như: Hải Phòng 11,01%, Hà Nam 10,93%, Hải Dương 10,02%, Nam Định 10,01%.

Tổng thu ngân của vùng đạt 815.650 tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp cao nhất cả nước, tăng hơn 12,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, chiếm 40,1% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó Hà Nội, Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất nước; đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 132 tỷ USD, chiếm gần 32,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405,53 tỷ USD), tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu. Vùng cũng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20 tỷ USD (cả nước đạt 38 tỷ USD), đứng đầu cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với gần 5,12 tỷ USD, tiếp theo là Hải Phòng (hơn 4,94 tỷ USD), Quảng Ninh (2,8 tỷ USD) và Hà Nội (2,1 tỷ USD).

Giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 141.800/175.800 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt gần 81% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (77,55%); một số địa phương nằm trong nhóm các địa phương có tỉ lệ giải ngân cao như Hải Phòng 99,67%; Thái Bình 99,09%, Hải Dương 95,11%, Vĩnh Phúc 90,54%; Ninh Bình 91,8%, Nam Định 159,36%.

Đồng bằng sông Hồng: Mục tiêu tăng trưởng 2 con số- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo TP. Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Cũng tại Hội nghị, các cơ quan tổ chức công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 một nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành trong năm 2024 của Hà Nội để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.359,84km2. Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam, Hòa Bình; phía Đông giáp tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên; phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD.

Tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,3%, khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 1,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 8,2%.

Kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% trong GRDP của thành phố. Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 7,5 - 8%/năm.

Về xã hội, quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top