Aa

Nhà nước sẽ thu hồi nhà, đất công nếu bỏ hoang quá 12 tháng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 14/01/2025 - 11:13

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 03/2025/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, có hiệu lực từ đầu năm 2025. Trong đó, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi tài sản công là nhà, đất đối với trường hợp bị bỏ hoang quá 12 tháng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất. Nghị định quy định rõ 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất gồm: (1) Giữ lại tiếp tục sử dụng; (2) Thu hồi; (3) Điều chuyển; (4) Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; (5) Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.

Nghị định quy định rõ chi tiết đối với từng trường hợp, trong đó nói rõ các trường hợp sẽ bị thu hồi nhà, đất, cụ thể:

Giữ lại tiếp tục sử dụng

Nhà, đất đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng, mua sắm thuộc diện được giữ lại tiếp tục sử dụng.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Nhà nước sẽ thu hồi nhà, đất công nếu bỏ hoang quá 12 tháng- Ảnh 1.

Nhà nước sẽ thu hồi nhà, đất công nếu bỏ hoang quá 12 tháng. Ảnh minh họa.

Thu hồi

Việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau:

Nhà, đất không sử dụng liên tục quá 12 tháng, trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tặng cho, góp vốn, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, trừ nhà, đất thuộc vụ việc đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý.

Nhà, đất sử dụng không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ.

UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) ban hành Quyết định thu hồi nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương và địa phương quản lý sau khi cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi.

Điều chuyển

Việc điều chuyển được áp dụng trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện khi xác định được cụ thể đối tượng tiếp nhận. Trường hợp đối tượng tiếp nhận là cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tại văn bản đề nghị tiếp nhận nhà, đất phải thuyết minh sự phù hợp của việc tiếp nhận nhà, đất với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

Trường hợp điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp thì chỉ điều chuyển sang doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để làm văn phòng làm việc.

Không điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc sử dụng nhà, đất đã tiếp nhận điều chuyển để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc các mục đích khác (không phải để làm văn phòng làm việc).

Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý

Chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý là việc chuyển giao nhà, đất từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý hoặc địa phương khác quản lý về UBND cấp tỉnh; hoặc từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý về các cơ quan chức năng của địa phương để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

Nhà, đất đã được giao, bố trí làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất, có lối đi riêng mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.

Nhà, đất không thuộc trường hợp quy định tại điểm a nêu trên mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.

Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng

Việc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất quy định tại khoản 1, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3, điểm c, điểm d khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

Sau khi hoàn thành việc di dời, chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Tính đến tháng 11/2024, Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp cho hơn 10.760 cơ sở nhà, đất và đã hoàn thành việc rà soát với 6.018 cơ sở theo quy định về quản lý tài sản công. Từ ngày 1/1/2025, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành tổng kiểm kê tài sản công, đặc biệt là nhà và đất.

Tại TP.HCM, còn hơn 1.000 địa chỉ đang bỏ trống từ nhiều năm nay. Trong năm nay, thành phố cũng sẽ triển khai đề án tổng kiểm kê tài sản công từ ngày 1/1/2025 đến hết tháng 3/2025 và kết quả sẽ được công bố vào tháng 7.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top