Aa

Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông

Chủ Nhật, 26/04/2020 - 10:45

Nền kinh tế, doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái bình thường, thậm chí sẽ không cần nhiều đến các “máy trợ thở” về tài chính nếu dòng chảy kinh doanh được khơi thông đúng lúc.

Giới kinh doanh sẽ gửi mong muốn này tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4/2020.

Dù khó khăn, nhưng doanh nghiệp đang cố sức giữ chân lao động.

Doanh nghiệp cần sức để trở lại

Hơn 70 doanh nghiệp Hà Nội vừa dành cả một buổi sáng trao đổi trực tuyến với đại diện cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, các ngân hàng ở Hà Nội, dù cách này không thực thuận lợi trong bối cảnh doanh nghiệp có rất nhiều kiến nghị, câu hỏi... Một bản kiến nghị sẽ được hoàn tất sớm, để kịp có mặt trong văn bản của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp tới đây.

“Chúng tôi đang rất cần các giải pháp hỗ trợ đến được doanh nghiệp ngay, có hiệu quả ngay. Là doanh nghiệp, không ai mong được nhận hỗ trợ, nhưng lúc này doanh nghiệp cần có sức để quay trở lại sớm”, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư BVG, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tham gia cuộc họp trực tuyến của Hội Doanh nghiệp Hà Nội chia sẻ tâm tư.

Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp Hà Nội, 100% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, số ảnh hưởng nghiêm trọng là 21%, ảnh hưởng ít là 15,8%. 62,5% doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm lao động, hơn 50% cắt giảm quy mô kinh doanh và từng đó doanh nghiệp cắt giảm quy mô đầu tư.

Số liệu trên không khác mấy so với kết quả khảo sát của các hiệp hội khác, nhưng mối lo mất nguồn nhân sự giỏi, chuyên môn vững, thiếu dòng tiền và cả sự thiếu thống nhất, rõ ràng trong thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quy định giãn cách để chống dịch ở các địa phương đang làm khó các phương án hồi phục của nhiều doanh nghiệp.

Ngay trong phần kiến nghị đầu tiên, Hội Doanh nghiệp Hà Nội đã đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá cụ thể mức độ của từng tỉnh, từng vùng để đưa ra những khuyến cáo, giãn cách hợp lý, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm trở lại ổn định, giao thông và tiêu dùng được duy trì trong mức độ an toàn, không để các rào cản, ngăn cấm làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Lúc này, doanh nghiệp phải nhận được các hỗ trợ để khởi động lại, dù mở cửa vào lúc này chi phí có thể cao hơn là đóng cửa, do tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch, do tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn, nhưng nếu tiếp tục “ngủ đông”, nhiều doanh nghiệp sẽ không còn sức”, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Nội phân tích khi nói về những phức tạp liên quan đến thủ tục nhận hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, thuế, vay trả lương người lao động... mà hội viên gửi về.

Không chỉ doanh nghiệp Hà Nội kêu khó khi tiếp cận các giải pháp hỗ trợ. Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần T&T 159 thẳng thắn cho biết, Công ty đã liên hệ, nhưng được trả lời là chưa đủ điều kiện thẩm định hồ sơ vì chưa đủ 50% lao động nghỉ việc.

“Chúng tôi cố gắng giữ lao động, áp dụng phương pháp nghỉ luân phiên, thay vì dừng hợp đồng lao động, nên không được hỗ trợ. Có lẽ cần phải xem lại quy định này. Làm việc với ngân hàng thì họ yêu cầu quá nhiều báo cáo tài chính, kiểm toán. Hỗ trợ doanh nghiệp nếu cần phân loại thì phân loại ngay, rồi áp dụng, chứ quy định chung chung như hiện tại sẽ không đến được doanh nghiệp cần”, ông Thắng nói.

Đi trước một bước là cơ hội không thể bỏ lỡ

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa ký gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở khảo sát ý kiến gần 400 doanh nghiệp trong 2 tuần đầu tháng 4/2020. Tin mừng là đa phần doanh nghiệp đã chủ động trong tìm kiếm các giải pháp vượt dịch, chỉ còn khoảng 10% doanh nghiệp lúng túng, chưa tìm được đường đi.

Điểm đáng nói nhất là 60% doanh nghiệp đang cố hết sức để giữ chân lao động. Nhưng cũng nhiều doanh nghiệp nói tương tự như ông Hà Văn Thắng, họ sẽ chỉ cố cho đến khi không còn cố được, nếu không thực sự nhận được hỗ trợ.

Đây chính là lo ngại lớn nhất của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vì khi 50% doanh nghiệp nói khó tiếp tục trụ vững sau nửa năm nữa nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách ly không được dỡ bỏ hợp lý kịp thời, có nghĩa là hàng triệu người lao động đang bị mất việc làm và sẽ có nguy cơ mất việc làm trong thời gian tới nếu doanh nghiệp kiệt sức.

Trong cuộc họp các hiệp hội doanh nghiệp chuẩn bị cho báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, ông Lộc đã chia sẻ quan điểm phải khởi động lại nền kinh tế. “Đây là lúc nền kinh tế Việt Nam đón đầu những cơ hội để phục hồi. Đi trước là một lợi thế không nên bỏ lỡ”, ông Lộc nói.

Cho tới thời điểm này, một số nền kinh tế trên thế giới dù đang còn chật vật trong phòng chống dịch bệnh và khống chế lây nhiễm, nhưng vẫn khẩn trương chuyển trạng thái, mở cửa lại thị trường. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã khống chế thành công sự lây nhiễm của dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly để tái khởi động nền kinh tế, thực hiện kinh doanh an toàn, sống chung với dịch bệnh.

Đây là cơ sơ để khuyến nghị mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - không gian kinh tế mà chúng ta có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay được đặt ra.

Cũng phải nói rõ, hiện nay, các nhà máy sản xuất đã được tiếp tục, công trường đã mở cửa trở lại với những điều kiện khác nhau, nhưng lưu thông hàng hóa vẫn bị cấm đoán hay hạn chế, các cửa hàng cửa hiệu chưa được mở, giao thông vận tải vẫn ách tắc. Có nghĩa là chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn, nền kinh tế vẫn trì trệ.

Như vậy, việc cho phép các cửa hàng, cửa hiệu mở lại, khôi phục dần các hoạt động dịch vụ như du lịch nội địa, giao thông nội địa, các đường bay nội địa... trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội theo quy định của ngành y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động.

“Trong nhiều trường hợp, chỉ cần khơi thông dòng chảy kinh doanh đúng lúc, nhiều doanh nghiệp sẽ không cần đến các “máy trợ thở” về tài chính”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

"Cỗ máy trợ thở" quan trọng nhất là xóa bỏ ngăn sông cấm chợ

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Chúng ta đã đi trước trong phòng chống dịch bệnh, nhưng có thể lại là “người đến sau” trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.

Bây giờ là thời điểm thích hợp để sớm nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn. Chậm dỡ bỏ các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ” thì chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu, còn tay kia vẫn hạn chế thị trường và hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau và doanh nghiệp không thể trở lại kinh doanh như kỳ vọng.

Giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT

Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn khó khăn, nên học thời chiến là giải phóng đến đâu huy động toàn dân tăng gia lao động sản xuất đến đó.

Trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp, Việt Nam cần khoanh vùng các vùng quê an toàn, hay thành phố chắc chắn đã an toàn để cho nhân dân tăng gia, kinh doanh, sản xuất. Chỉ có khoanh vùng an toàn sản xuất, kinh doanh, chúng ta mới tránh nguy cơ khủng hoảng kinh tế, nguy cơ doanh nghiệp phá sản và nguy cơ nhiều người lao động thất nghiệp khiến an sinh xã hội phức tạp khó lường.

Bên cạnh một số chính sách hiện tại, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc xây dựng các chính sách giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.

Miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Lê Phụng Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Citicom

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giải pháp miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số thu từ các doanh nghiệp này có thể không lớn, nhưng với mỗi một doanh nghiệp thì là khoản lớn. Đây cũng là khu vực tạo ra việc làm chính cho xã hội.

Với các doanh nghiệp còn lại, đề nghị giãn nộp thuế VAT của quý I, quý II năm 2020 với thời gian giãn nộp là 12 tháng, sẽ thu lại trong năm 2021, không tính chậm nộp (loại trừ những ngành nghề không bị ảnh hưởng).


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top