Aa

Nghiên cứu giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 10/04/2020 - 15:45

Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp phân tích đánh giá khó khăn trong tình hình hiện tại, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Trên cơ sở thực hiện chính sách quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận thấy các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản được phân thành 02 nhóm chính gồm: Vướng mắc về thể chế, chính sách và vướng mắc, hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Giải quyết các vướng mắc về thể chế, chính sách

Trong vướng mắc về thể chế, chính sách thì chủ yếu là một số quy định về trình tự thủ tục đầu tư (chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án, đấu thầu quyền sử dụng đất,...) còn chưa có sự thống nhất giữa pháp luật về đầu tư, nhà ở và pháp luật về đất đai; hoặc các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng dự án còn rườm rà, gây mất thời gian thực hiện; hoặc có một số tình huống phát sinh nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh kịp thời (như chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, về quy chuẩn xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel, resort villa,…; xử lý đất xen kẹp trong dự án).

Đối với việc tổ chức thực hiện cũng có tình trạng các địa phương rà soát thủ tục pháp lý các dự án đang triển khai còn chậm hoặc việc phối hợp triển khai thực hiện các thủ tục hành chính chưa thống nhất...

Để giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, cụ thể:

Liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản mới, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư trong đó có quy định kỹ thuật về các loại hình bất động sản này; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 về Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/02/2020 hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở.

Liên quan đến pháp luật về đấu thầu như nội dung đấu thầu dự án có sử dụng đất, trình tự thủ tục giao đất đối với dự án đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, việc lập danh mục các dự án đấu thầu… đã được Chính phủ xử lý tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến lĩnh vực nhà ở như Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật này.

Thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch

Thị trường bất động sản những năm gần đây nhìn chung phát triển khá ổn định, không có biến động lớn. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 đến 2018) thì trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản có xu hướng chững lại, thể hiện qua một số chỉ tiêu như: lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018.

Nguyên nhân cơ bản là do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, ách tắc trong việc cấp phép mới dự án do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ - du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi do virus Corona (COVID-19).

Dự báo thị trường bất động sản trong năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây (sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm).

Để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản, mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như giãn thời gian đóng thuế, tiền thuê đất; tiếp tục đề xuất hoãn hoặc giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất vay ngân hàng... nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Về phía Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều giải pháp phòng chống dịch đối với ngành xây dựng. Trong đó, đối với việc phòng chống dịch tại các chung cư, toà nhà văn phòng, lãnh đạo Bộ giao cho Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản thực hiện ngay khảo sát tình hình phòng chống dịch tại các chung cư, nhất là chung cư cũ và các toà nhà văn phòng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ người dân.

Với các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ yêu cầu tập trung phân tích đánh giá khó khăn trong tình hình hiện tại, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top