Aa

Dòng chảy văn hoá của các không gian thương mại công cộng

Thứ Ba, 25/05/2021 - 06:00

Sự có mặt của các không gian thương mại công cộng kế cận sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị một ngôi nhà và quyết định của người mua nhà.

Kết quả của một cuộc khảo sát sơ bộ tại Hà Nội cho thấy có 3 loại dịch vụ tiện ích được đánh giá quan trọng trong đời sống người dân là giáo dục, y tế và mua sắm. Trong số đó, mặc dù mua sắm có thể không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, nhưng nó đóng góp mạnh mẽ đáng ngạc nhiên vào cách mọi người cảm nhận và tận hưởng môi trường sống của họ. Ngoài ra sự có mặt của các không gian thương mại công cộng kế cận sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị một ngôi nhà và quyết định của người mua nhà.

Không gian thương mại trong xã hội Việt Nam truyền thống

Các tiện ích công cộng trong làng truyền thống của người Việt tương đối đơn giản, thường chỉ gói gọn trong bộ 3 công trình đình - chợ - chùa/đền. Đình nằm ở vị trí trung tâm cả trên phương diện vật lý lẫn tâm lý, là nơi thờ tự kết hợp với các công việc quản lý hành chính, xét xử pháp lý, hội hè văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí... Chùa hay đền, đảm nhận chức năng tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu như đình và chùa/đền được xem là những không gian thiêng liêng thì chợ hoàn toàn mang tính “thế tục” khi đơn thuần chỉ là không gian phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa địa phương.

Xã hội truyền thống Việt Nam không coi trọng lắm thương mại khi xếp những người làm thương mại vào thứ hạng cuối cùng trong cấu trúc “tứ dân” về nghề nghiệp xã hội “sỹ, nông, công, thương”. Chính vì vậy, các tiện ích thương mại tương đối mờ nhạt ở các khu vực nông thôn, nơi mà các hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi trọng. Do đó, chợ đôi lúc được ghép đôi với hai công trình còn lại tạo nên chợ - chùa (tổ hợp kinh tế - tôn giáo) hay chợ - đình (tổ hợp chính trị - tôn giáo - kinh tế).

Các tiện ích công cộng trong làng truyền thống của người Việt tương đối đơn giản, thường chỉ gói gọn trong bộ 3 công trình đình - chợ - chùa/đền. (Ảnh minh hoạ)

Tùy theo quy mô của làng sẽ có chợ phục vụ riêng cho làng hay cho nhóm nhiều làng. Do cuộc sống nhấn mạnh vào tự cung tự cấp của người Việt, chợ làng họp không thường xuyên, chỉ họp theo phiên và chủ yếu trao đổi các món hàng được sản xuất “bên ngoài”. Tuy nhiên, người làng đến các chợ phiên này không chỉ là trao đổi hàng hóa mà còn thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với thế giới “bên ngoài” hay cả với những người trong làng khi mà cuộc sống sản xuất nông nghiệp vất vả và tất bật khiến họ ít có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng.

Và cũng trong xã hội truyền thống, việc hình thành và giải tán các không gian thương mại tại các khu vực dân cư chủ yếu vẫn do nhu cầu tự phát của người dân chứ không dựa trên những chính sách kích thích thương mại của Nhà nước. Tuy nhiên, tại các khu vực thành thị, với sự tập trung cao hơn các hoạt động thủ công nghiệp, sản xuất hàng hóa tiêu dùng, nhu cầu thương mại gia tăng dẫn đến sự hình thành những khu phố thương mại. Ngoài các chợ, các không gian thương mại được tích hợp vào phần phía trước của những ngôi nhà tiếp xúc với đường phố. Thương mại cứ thế phát triển theo những con đường này tạo nên các tuyến phố. Nhiều tuyến phố tập hợp lại hình thành nên phường, hội mua bán, trao đổi nguyên liệu và hàng hóa, từ đó đô thị dần mở rộng và phát triển.

Sự chuyển đổi các không gian thương mại từ thời bao cấp sang thời mở cửa

Chuyển sang thời bao cấp, Nhà nước thành lập hệ thống mậu dịch quốc doanh, không những đã mở các cửa hàng bán lẻ tổng hợp, các cửa hàng chuyên doanh về lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm mà còn mở rộng các cửa hàng phục vụ như cửa hàng ăn, cửa hàng giải khát, cửa hàng may mặc ở các thành phố, nơi tập trung nhân dân lao động, đặc biệt là trong những khu vực nhà ở mới dưới hình thức các khu tập thể.

Năm 1993, mô hình siêu thị lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam
Năm 1993, mô hình siêu thị lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Mỗi khu tập thể đều có một khu vực trung tâm công cộng, nơi tập hợp các tiện ích công cộng cấp độ khu dân cư, thông thường là văn hóa (nhà hội họp, biểu diễn...), thể thao (sân thể thao ngoài nhà, trong nhà...), mua sắm và ăn uống (nhà ăn, cửa hàng ăn uống, cửa hàng mậu dịch quốc doanh, bách hóa tổng hợp...). Nền kinh tế tư nhân bị hạn chế và cấm đoán nên về mặt lý thuyết, không có chợ và hệ thống hàng quán do người dân tự mở trong các khu ở mới này. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh trở thành những “trung tâm quyền lực” chi phối mạnh mẽ đến đời sống hàng ngày của người dân...

Sau năm 1986, với chính sách Đổi mới, kinh tế quốc gia được chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chấm dứt sự bao cấp của Nhà nước và mở cửa cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường. Kinh tế tư nhân được phép, đồng nghĩa với dịch vụ thương mại và ăn uống ồ ạt chiếm lĩnh thị trường ngay lập tức, đẩy các cửa hàng mậu dịch và ăn uống quốc doanh lùi vào quên lãng. Hệ thống hàng quán tư nhân phát triển trở lại sau một thời gian dài bị kiểm soát và kìm hãm. Mạng lưới chợ truyền thống được thiết lập lại, tái hoạt động kéo theo những biến thể như chợ tạm, chợ cóc, chợ hàng rong ở các không gian trống hay dọc theo các tuyến phố.

Những năm 1990 - thời kỳ hậu bao cấp đã chứng kiến cảnh người dân phát triển mạnh mẽ việc tự cung ứng các loại hàng hóa và dịch vụ đô thị ở bất cứ không gian nào mà họ có thể tận dụng được làm cho việc quản lý không gian đô thị trở nên khó khăn và phần nào là mất kiểm soát.

Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Với sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, các mô hình và tư tưởng mới về không gian thương mại được dẫn nhập vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Năm 1993, mô hình siêu thị lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Tại Hà Nội, dấu mốc quan trọng cho xu hướng mới này là Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền - một cửa hàng mậu dịch quốc doanh lớn nhất toàn miền Bắc, một biểu tượng thương mại của Hà Nội kể từ những năm 1960, ngừng hoạt động vào năm 1995, được xây dựng lại và chuyển thành Tràng Tiền Plaza vào năm 2002 cùng với việc thay đổi cách thức hoạt động, tiếp cận thị trường như một trung tâm thương mại - biểu tượng kinh tế thời hội nhập, và đến năm 2013, sau khi được đầu tư bởi một doanh nghiệp nước ngoài, thì chuyển thành trung tâm mua sắm cao cấp.

Cũng như chợ nhưng theo một cách hiện đại hơn rất nhiều, các trung tâm mua sắm, ngoài là nơi tập trung các hoạt động bán lẻ, còn là những không gian xã hội cộng đồng cho công chúng. Mọi người đến trung tâm thương mại để xem những xu hướng mới nhất về những gì mọi người đang mặc và lắng nghe, dành thời gian với bạn bè và quan trọng nhất là tiêu tiền của họ. Quan sát cho thấy, vào những ngày lễ hoặc những ngày nắng nóng, người dân đến sử dụng và tiêu dùng các dịch vụ cũng như tận hưởng không khí được điều hòa tăng vọt.

Ngoài ra, các trung tâm thương mại được quản lý chặt chẽ về mặt hình ảnh theo hướng “sang trọng hóa” và “vệ sinh hóa” so với chợ. Giờ đây, các không gian thương mại rõ ràng thúc đẩy lợi ích xã hội vượt ra ngoài việc cung cấp hàng hóa đơn thuần, trở thành một không gian công cộng quan trọng để gặp gỡ, vui chơi, giải trí và ăn uống, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

Không gian thương mại thời hậu Covid-19

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, nhưng giả thiết chính vẫn là xuất phát từ một khu chợ ở Vũ Hán, nơi người ta mua bán các loại thực phẩm từ động vật hoang dã không được kiểm soát nguồn gốc. Như vậy, chợ phần nào cho thấy những yếu điểm khi luôn gắn với hai từ “lộn xộn” trong một thế giới mà con người ngày càng muốn kiểm soát chất lượng lương thực thực phẩm tốt hơn nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.

Hàng loạt trung tâm thương mại vắng vẻ trong mùa dịch
Hàng loạt trung tâm thương mại vắng vẻ trong mùa dịch.

Cách đây mấy năm, Hà Nội cũng đưa ra chủ trương không phát triển thêm chợ mới trong hệ thống thương mại. Chủ trương này gây tranh cãi, tuy nhiên, chính đại dịch Covid-19 đã phần nào cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại quản lý các không gian thương mại truyền thống mang nhiều tính tự phát này. Hơn nữa, các chợ cóc, hàng rong, ngoài việc ảnh hưởng đến giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi sự di chuyển của người bán hàng lẫn sự tập trung đông người không kiểm soát được.

Trong thời gian đại dịch diễn ra, người dân bắt đầu “quen hơn” với việc đi mua sắm, tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại do những ưu thế của các không gian hiện đại này. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động trong bối cảnh đại dịch khi người dân cắt giảm mua sắm, hạn chế việc ăn uống bên ngoài đã làm cho các không gian này lại đối mặt với nguy cơ đóng cửa do không đảm bảo doanh thu.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng tác động mạnh đến cả chợ lẫn siêu thị hay trung tâm thương mại khi thương mại điện tử được đẩy mạnh. Người dân, thay vì đến các không gian để mua sắm thì giờ đây, có thể ngồi ở nhà để chờ những mặt hàng mình cần được mang đến. Dù việc mua bán hàng online được các siêu thị và trung tâm thương mại xem như một kênh thương mại mới để bù đắp lại doanh thu nhưng không thể phủ nhận điều này đã làm mất đi tính năng giao tiếp, tương tác xã hội của các hoạt động thương mại.

Còn quá sớm để nói về sự kết thúc của Covid-19, nhưng đại dịch đã khiến chúng ta bắt đầu phải có những hình dung về tương lai cho các không gian thương mại công cộng để đảm bảo hài hòa mục tiêu giao thương lẫn giao tiếp xã hội của các không gian này, trong một bối cảnh mới với nhiều thời cơ đi kèm cả những nguy cơ mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top