Aa

Động lực chỉ số đầu tư đang là vốn tư nhân và FDI

Thứ Tư, 31/01/2018 - 21:00

Giải ngân vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm tốc trong quý IV/2017 với mức tăng 10,8% theo năm nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 12,1%.

Đóng góp chính cho tăng trưởng giải ngân là vốn tư nhân và FDI với mức tăng 16,8% và 12,8%, đây vừa là 2 nguồn vốn đầu tư lớn nhất, vừa có tốc độ tăng trưởng cao.

Tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân đạt mức cao nhất nhiều năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì xấp xỉ như các năm trước cho thấy nguồn lực trong dân đã được huy động tốt hơn, phần khác cũng cho thấy niềm tin trong dân cư cũng đã cải thiện.

Giải ngân vốn FDI tháng 12/2017 là 1,5 tỷ USD, bằng với tháng 12/2016 và đưa tổng giải ngân FDI trong năm 2017 lên 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% theo năm (năm 2015 và 2016 tăng 17% và 9%).

Vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn trong năm 2017 tăng mạnh 41,7% lên 29,6 tỷ USD, hứa hẹn giải ngân trong 2018 sẽ duy trì tăng trưởng tốt. Các dự án FDI quy mô lớn năm 2017 đáng kể nhất là 3 dự án nhiệt điện đốt than theo hình thức BOT tại Nghi Sơn, Vân Phong và Nam Định với tổng vốn đăng ký lên tới 7,4 tỷ USD.

Dự án liên quan đến điện tử chỉ có Samsung với 2,5 tỷ USD tăng vốn tại Bắc Ninh. Ngoài vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn, nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo dạng góp vốn, mua cổ phần cũng có tăng trưởng cao. Năm 2017 lượng vốn này tăng 45,1% lên 6,2 tỷ USD. Đây là kết quả của quá trình IPO và thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích tư vấn khách hàng cá nhân SSI, về bản chất, dòng vốn này thuộc nhóm đầu tư gián tiếp vì không tạo ra pháp nhân mới và không có giấy chứng nhận đầu tư. Việc thoái vốn cũng không làm tăng vốn đầu tư toàn xã hội mà phải chờ giải ngân qua các dự án sử dụng ngân sách.

Năm 2018 với lượng doanh nghiệp lớn IPO và thoái vốn, dòng vốn này sẽ tiếp tục có tăng trưởng cao. Các nguồn vốn thuộc quản lý của khối Nhà nước tăng thấp do quản lý đầu tư công chặt chẽ hơn với quy định mới về đầu tư trung hạn.

Đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ tăng 7,2% lên 290 nghìn tỷ đồng trong khi nguồn vốn trái phiếu chính phủ giảm sâu 33,4% xuống 25,4 nghìn tỷ đồng. 

Thực tế với lượng tiền lớn thu được từ thoái vốn Nhà nước (chỉ riêng Sabeco là trên 100 nghìn tỷ đồng), việc tiếp tục vay nợ qua phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng cơ bản cần xem xét lại. Mặc dù ngưỡng nợ công/GDP đã giảm nhẹ xuống 61,3% nhờ GDP tăng trưởng tốt nhưng đây vẫn là ngưỡng rất cao.

Trước năm 2010, dư nợ Trái phiếu Chính phủ của Việt Nam ở mức rất thấp nhờ thu chi ngân sách được quản lý tốt với thu thường xuyên lớn hơn chi thường xuyên. Việc giảm bớt vay nợ nước ngoài qua ODA cũng có thể thực hiện nếu huy động nguồn lực tư nhân tốt.

Đánh giá chung tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp quý IV/2017 là tích cực với tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát đánh giá “khả quan” chiếm 44,8%. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thực hiện khảo sát.

Mặc dù tỷ lệ dự báo quý sau (quý I/2018) tiếp tục “khả quan” giảm xuống mức thấp nhất 4 quý nhưng đây là do yếu tố mùa vụ. Kỳ nghỉ tết sẽ luôn có hoạt động sản xuất kinh doanh giảm so với mùa cao điểm quý IV cuối năm. Khảo sát cùng kỳ 2016, tỷ lệ dự báo “khả quan” cũng rất thấp, 42,6%. Năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng cũng chỉ xấp xỉ như năm 2016, lần lượt là 15,2% và 16,1%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top