Aa

Cung ồ ạt, đấu giá cổ phần rơi vào cảnh “trâu chậm uống nước đục”

Thứ Tư, 31/01/2018 - 07:02

Khoảng 1,5 tỷ cổ phần được đưa ra đấu giá trên 2 sở giao dịch chứng khoán từ ngày 17/1 cho đến trước Tết Nguyên đán khiến cho lực cầu dù hào hứng với diễn biến VN-Index tăng vọt trên sàn thứ cấp đến đâu cũng khó hấp thụ hết. Tình trạng “trâu chậm uống nước đục” có vẻ đúng với các đợt IPO bom tấn hiện nay.

Theo đó, mở đầu cho các đợt IPO khủng là phiên đấu giá 241 triệu cổ phần của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đã khá lâu thị trường mới có đợt đấu giá lớn trong bối cảnh khẩu vị trên sàn chuộng cổ phiếu vốn hóa lớn, doanh nghiệp có vị thế đầu ngành. Bởi vậy mà phiên đấu giá có lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia đông nhất trong vòng 10 năm gần đây.

Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), có tổng số 4.079 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trong đó tổng khối lượng cổ phần đăng ký là 651,7 triệu cổ phần, gấp 2,7 lần lượng chào bán.

Ngày đăng ký cuối cùng của phiên đấu giá PV Oil diễn ra đúng vào ngày BSR đấu giá 17/1 nhưng từ chiều hôm trước, thông tin rò rỉ trên thị trường cho thấy, các quỹ đầu tư đã đặt giá tới 22.000 - 24.000 đồng/cổ phần. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đặt giá dưới 20.000 đồng/cổ phần đều “trượt”, do đó không loại trừ khả năng một lượng lớn nhà đầu tư chuyển sang đấu giá PV Oil. Kết quả BSR được bán với giá bình quân trên 23.600 đồng/cổ phần, giá trúng thầu thấp nhất là 20.600 đồng/cổ phần.

Có thể nhờ thuận lợi này mà phiên đấu giá PV Oil thu hút hơn 3.000 nhà đầu tư đăng ký tham gia, lượng cổ phần đặt mua gấp 2,3 lượng cổ phần chào bán. Phiên đấu giá này diễn ra khá kịch tính, đến 14h25 ngày 25/1, giá trúng dự kiến quanh 17.500 đồng/cổ phần nhưng nửa tiếng sau đã vọt lên trên 20.000 đồng/cổ phần. Kết quả những nhà đầu tư trả giá dưới 19.200 đồng/cổ phần đã “ra về tay trắng”.

 

 

Nhưng PV Power, đơn vị chào bán tới 468 triệu cổ phần vào ngày 31/1 lại không có được may mắn như PV Oil. Lý do là thời hạn đăng ký cuối cùng đặt mua cổ phiếu này vào ngày 24/1, tức là trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá PV Oil.

Phiên đấu giá 475 triệu cổ phần của Tập đoàn Cao su diễn ra vào này 2/2 cũng ở thế tương tự, ngày đăng ký cuối cùng diễn ra vào 25/1, khi chưa có kết quả đấu giá PV Oil. Đều này có nghĩa, những nhà đầu tư mua hụt PV Oil không kịp quay sang mua cổ phần của 2 đợt đấu giá khủng tiếp theo.

Kết quả đã phần nào phản ánh ngay trong lượng đặt mua cổ phần của PV Power và Tập đoàn Cao su sau đó. Đợt đấu giá của PV Power có 1.979 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 97 tổ chức, 1.882 nhà đầu tư cá nhân.

Số lượng cổ phần nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua là 361,3 triệu đơn vị, nhà đầu tư cá nhân đăng ký 129,9 triệu đơn vị, tổng khối lượng đăng ký là 491,3 triệu cổ phần, cao hơn số lượng chào bán chỉ 23 triệu đơn vị. Còn phiên đấu giá của Tập đoàn Cao su, theo thông tin sơ bộ, “ế” gần nửa số lượng cổ phần chào bán.

Dễ thấy trong đợt đấu giá của PV Power, nhà đầu tư tổ chức là “cứu cánh” khi họ đặt mua tới 77% lượng cổ phần chào bán. Nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, lệnh đặt mua cao nhất thuộc về một tổ chức nước ngoài với 150 triệu cổ phần.

Trước đó, trong 2 đợt đấu giá của BSR và PV Oil, nhà đầu tư tổ chức cũng đóng vai trò kích hoạt sự sôi động. Đợt đấu giá của BSR có tới 48 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 67 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Lệnh đặt mua cao nhất là 45 triệu cổ phần, dù nhà đầu tư này đã không trúng giá.

Còn phiên đấu giá của PV Oil cũng thu hút tới gần 100 nhà đầu tư tổ chức, lệnh đặt mua cao nhất là 50 triệu cổ phần, tức quy mô đầu tư của nhà đầu tư này cho riêng cổ phiếu PV Oil đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Nếu không có nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ nước ngoài, PV Power khó có thể bán hết lượng cổ phần đưa ra đấu giá. Đây chính là sức cầu rất lớn đối với nguồn hàng khủng trên thị trường sơ cấp Việt Nam thời điểm này. Bằng chứng là Tập đoàn Cao su, đơn vị bị hạn chế cầu ngoại ngay lập tức đã ế hàng. Theo quy định trong phương án cổ phần hóa, Tập đoàn Cao su không được bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Xét về các yếu tố nội tại, những doanh nghiệp đưa cổ phần ra đấu giá đợt này đều là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, có lợi thế lớn về tài sản. Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp như Tập đoàn Cao Su, yếu tố quản trị đang là điểm yếu.

Đây chính là mắt xích được kỳ vọng sẽ cải thiện sau cổ phần hóa, đưa hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc. Nếu điều này trở thành hiện thực, những nhà đầu tư có cơ hội mua được cổ phiếu giá thấp càng có nhiều dư địa kiếm lợi nhuận hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top