Sản phẩm nào sẽ là xu hướng mới?
Theo tìm hiểu, thời gian qua phần lớn nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển sang đầu tư căn hộ để cho thuê do lợi nhuận căn hộ cho thuê đang tăng tại nhiều nơi. Cụ thể, ghi nhận từ CBRE, riêng tại Hà Nội, so với năm 2017 hiện nay lợi nhuận cho thuê căn hộ đang cao hơn khoảng 0,4% đạt mức từ 4 - 5,7%/năm.
Trong đó, căn hộ có lợi nhuận cho thuê cao nhất đang thuộc về khu vực phía Tây Hà Nội với 5,7%/năm, trong khi năm 2017 tỷ suất lợi nhuận chỉ nằm ở mức hơn 5%/năm. Bên cạnh đó, các khu vực như Đống Đa - Ba Đình đang có tỷ suất lợi nhuận cho thuê là 5,4%. Quận Tây Hồ nơi luôn được xem là khu vực có tỷ suất lợi nhuận căn hộ cho thuê cao nhất hiện đạt 5,5%. Tại phía Nam, các căn hộ cho thuê tại khu vực này đạt 5,4% tỷ suất lợi nhuận.
Nắm bắt được xu hướng đầu tư mới của nhà đầu tư hiện nay, các chủ đầu tư đang có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư mua căn hộ cho thuê như gia tăng các dịch vụ tiện ích xe đưa đón, dịch vụ dọn phòng... thậm chí miễn phí dịch vụ cho khách mua nhà, cam kết thuê lại căn hộ với mức lợi nhuận cao cho khách.
Cũng theo tổng kết số liệu từ các đơn vị phân tích thị trường cho thấy, hiện nay khách hàng đang có nhu cầu tìm kiếm nhà phố và nhà riêng. Một số quận Hà Nội như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy là những khu vực có lượng tìm kiếm nhiều nhất.
Theo tìm hiểu, việc tìm kiếm nhà mặt phố tại những quận nội đô có thể đến từ mục đích vừa để kinh doanh vừa đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Trong khi đó, lượng tìm kiếm cao tại Cầu Giấy trong thời gian vừa qua là thông số chứng minh khu vực này đang dần trở thành một trung tâm mới ở khu vực phía Tây Hà Nội, với nhiều dự án nhà ở và hạ tầng đô thị. Đáng chú ý, trên số trang tìm kiếm cho thấy khu vực Phố Huế, Xã Đàn và Nguyên Hồng đang đứng đầu danh sách về giá. Trong đó, Xã Đàn khoảng 400 triệu đồng/m2, Nguyên Hồng 378 triệu đồng/m2, Phố Huế 500 triệu đồng/m2. Lý giải cho mức giá cao đó là những tuyến phố này có hàng quán kinh doanh nhiều và lưu lượng giao thông lớn tại Hà Nội.
Ngoài ra, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội đã dự báo: “Shophouse sẽ là một trong những xu hướng tiếp tục chứ không phải là xu hướng lỗi thời. Hiện tại, đã xuất hiện nhiều thị trường mới để sản phẩm này có thêm điều kiện để phát triển, trong đó có Quảng Nam. Tuy nhiên phải lưu ý là Shophouse đúng nghĩa là tích hợp nhu cầu kinh doanh cũng có thể là nhu cầu nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều, ở những vị trí phù hợp rõ ràng phân khúc này còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mặt khác, Shophouse ở các thành phố như Bắc Ninh chỉ cho thuê chứ không để ở thì rõ ràng sẽ không đem lại hiệu quả”.
Sản phẩm tồn tại phụ thuộc vào khách hàng
Theo giới phân tích, để đạt được hiệu quả từ các sản phẩm bất động sản thì nhà đầu tư cá nhân, hay doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ động lực sở hữu của người tiêu dùng. Từ đó, dự đoán được xu hướng dịch chuyển của các dòng sản phẩm sắp tới, điển hình là các dòng sản phẩm nhà ở.
Theo chuyên gia kinh tế, Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định: “Việt Nam đang là thị trường bất động sản mới nổi và có quy luật là người dân ngày càng khó có khả năng sở hữu nhà. Bởi ở thị trường này, tốc độ kiếm tiền để sở hữu nhà sẽ không nhanh bằng tốc độ tăng giá của căn nhà. Thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm tới vẫn tuân theo quy luật này. Do đó, động lực của người mua nhà có thể ảnh hưởng đến lựa chọn sản phẩm của họ trong tương lai”.
Cụ thể, động lực liên quan đến vấn đề dịch chuyển quy mô hộ gia đình. Tại Việt Nam, hiện quy mô hộ gia đình có xu hướng ngày càng nhỏ nên chủng loại và dòng sản phẩm nhà ở cũng có sự dịch chuyển. Đặc biệt, khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng lên thì chắc chắn số người trong một gia đình sẽ giảm xuống. Người dân chắc chắn sẽ dịch chuyển sản phẩm từ chỗ sở hữu nhà để ở sang giá trị của ngôi nhà. Theo đó, nhà đầu tư cần phải xác định sản phẩm trong tương lai có đáp ứng được xu hướng này hay không.
Bên cạnh đó, động lực liên quan đến tính đặc biệt của đô thị hóa. Tâm lý của người mua nhà luôn muốn mua bất động sản có vị trí gần trung tâm, gần chỗ làm, chỗ học. Ông Nghĩa nhận định: “Trong tương lai nếu thời gian tiêu thụ cho ở nhà thấp mà thời gian tiêu thụ cho giao thông và đi lại cao thì xu hướng này vẫn tồn tại. Ngược lại, nếu hạ tầng giao thông phát triển, thời gian tiêu thụ cho giao thông ít đi thì người tiêu dùng dễ chấp nhận dịch chuyển mua nhà ở những vùng ven”.
Cuối cùng là những thay đổi trong tiêu chuẩn từ sở hữu nhà là tài sản sang tiêu chuẩn giá trị cho cuộc sống. Trong đó, người dân đề cao tính văn hóa cộng đồng tại khu đô thị hoặc chung cư. Hiện nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm bán hàng mà bỏ quên giai đoạn sau bán hàng khiến giá trị bất động sản không được tăng lên.