Nhiều doanh nghiệp địa ốc thiếu vốn trầm trọng
Nếu quý I/2022, các doanh nghiệp địa ốc hồ hởi trong tâm thế tái khởi động hậu đại dịch Covid-19, sức khoẻ tài chính có nhiều cải thiện thì quý I/2023 lại là bức tranh hoàn toàn đối lập.
Trạng thái trầm lắng bao phủ thị trường từ cuối năm ngoái nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét đã khiến cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này đồng loạt báo lỗ trong 3 tháng đầu năm nay.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023 vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần giảm sâu 79% so với cùng kỳ xuống còn 378 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ và đất nền trong kỳ giảm gần 73% so với quý I/2022, chỉ đạt gần 268 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ môi giới chỉ bằng 1/9 cùng kỳ xuống còn 83 tỷ đồng. Doanh thu từ hợp đồng xây dựng và khác cũng rơi từ 75 tỷ đồng xuống còn 29 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 18 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) ghi nhận gần 151 tỷ đồng. Vì vậy kết thúc quý đầu năm 2023, Đất Xanh báo lỗ sau thuế 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn 536 tỷ đồng. Đây là quý lỗ tiếp theo sau con số âm 460 tỷ trong quý IV/2022.
Đáng chú ý, thuyết minh báo cáo tài chính của Đất Xanh cho thấy, số lượng nhân sự của Đất Xanh tại thời điểm 31/3 chỉ còn ghi nhận 2.389 người, giảm đáng kể so với 3.773 người thời điểm cuối năm 2022 hay 6.433 người vào cuối năm 2021.
Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Phát Đạt cũng không khá hơn khi doanh thu và lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm đều giảm mạnh. Trong quý vừa qua, Công ty chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm tới 92% so cùng kỳ. Tổng nợ phải trả là 13.511 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản cũng báo lỗ trong quý vừa qua đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC). Đáng chú ý, đây là doanh nghiệp môi giới hiếm hoi đang niêm yết trên sàn hoạt động không có doanh thu trong quý đầu năm nay.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của NRC, công ty không phát sinh doanh thu do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu, lợi nhuận từ các dự án mà công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới. Trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh thu đạt hơn 51 tỷ đồng.
Kết quả, Danh Khôi báo lỗ gần 17 tỷ đồng trong quý I/2023. Trước đó trong quý IV/2022, Danh Khôi cũng chỉ kiếm được 1 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ 60 tỷ đồng.
Một “ông lớn” khác đang hoạt động trong nghề môi giới bất động sản là Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand - mã CRE) cũng báo lỗ ròng quý I/2023 hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 145 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý I/2023, CenLand đạt doanh thu thuần 53 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với con số hơn 1.942 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ ghi nhận hơn 69 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới và hơn 22 tỷ đồng doanh thu đầu tư bất động sản.
Các chính sách cần nhanh chóng "thấm" vào thị trường
Việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau báo lỗ trong quý I vừa qua là điều không quá ngạc nhiên bởi Chính phủ dù có nhiều động thái và chính sách hỗ trợ thị trường nhưng mức độ thẩm thấu nhìn chung còn hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia, tác động thực tế của các chính sách đến thị trường hiện nay là chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu một quy trình chuẩn để các bên tuân thủ và làm theo. Những vấn đề liên quan đến pháp lý cũng được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng chưa thể đi đến hướng giải quyết cuối cùng. Đặc biệt là việc thực thi chính sách tại Việt Nam luôn có độ trễ.
Chính vì vậy mà thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến trong 3 tháng đầu năm. Thanh khoản vẫn liên tục về đáy, các giao dịch tiếp tục bị hạn chế và niềm tin trên thị trường chưa hoàn toàn hồi phục.
Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM nhận định, sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp địa ốc rất đáng lo ngại, tình trạng này kéo dài thêm ngày nào thì doanh nghiệp đến gần bờ vực giải thể ngày đó.
Theo ông Bảo, để cải thiện tình trạng hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, cần phải đẩy nhanh việc thực thi các chính sách đã ban hành, giúp các chính sách nhanh chóng “thấm” vào thị trường.
“Nếu để các doanh nghiệp tiếp tục ở trạng thái chờ đợi chính sách thẩm thấu sẽ chỉ khiến họ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp sẽ không dám đưa ra những kế hoạch tăng trưởng từ nay đến cuối năm, khó chủ động công cuộc tái cấu trúc và dần mất đi niềm tin vào thị trường”, ông Bảo nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, những vấn đề gỡ vướng pháp lý vẫn là cơ sở quan trọng để giải quyết khủng hoảng dòng tiền trên thị trường. Theo đó, nếu tháo gỡ được vấn đề trước mắt là pháp lý thì ngay lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra./.