Aa

Đồng Nai bêu tên một loạt doanh nghiệp "vẽ" dự án ma lừa khách hàng

Thứ Ba, 12/06/2018 - 06:01

Thống kê của cơ quan công an tỉnh Đồng Nai vừa được công bố cho thấy, hiện có sáu dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh này đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý điều tra theo quyết định ủy thác điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, để khách hàng tin tưởng, hơn 2 năm qua, một số đơn vị đã bán hàng bằng cách tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị... các dự án ở Đồng Nai và Long An và ký kết các dạng: "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất"; "Hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng bất động sản"…

Nội dung các hợp đồng thường trái với nội dung hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư. Các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Một số doanh nghiệp được cơ quan công an tỉnh này nêu ra gồm có: Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (Công ty Việt Hưng Phát), Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát (Công ty Kim Phát), Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc, Công ty Cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh, Công ty TNHH Lê Hương Sơn, Công ty Long Đức Urban Land, Công ty Cổ phần Long Thuận Lộc...

Điển hình, Dự án khu dân cư Boulevard City nằm trên Quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do Công ty Cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh làm chủ đầu tư và sau đó chuyển nhượng một phần dự án lại cho Công ty Việt Hưng Phát.

Dự án Khu dân cư An Phước (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do Công ty Cổ phần Long Thuận Lộc làm chủ đầu tư. Sau đó công ty này đã ký hợp đồng chuyển nhượng lại 112 nền đất cho Công ty Việt Hưng Phát.

Dự án Khu dân cư xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do Công ty TNHH Long Đức làm chủ đầu tư (Urban Land). Sau đó Công ty Long Đức Urban Land và Công ty Việt Hưng Phát đã ký kết hợp đồng hợp tác với nhau.

Dự án Khu dân cư thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Gold Hill) do Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát làm chủ đầu tư. Sau đó đơn vị này đã ký hợp đồng tư vấn, môi giới bất động sản với Công ty Kim Phát.

Dự án Khu dân cư quy hoạch 6,5 ha ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Diamond City) do Công ty TNHH Lê Hương Sơn làm chủ đầu tư. Sau đó đơn vị này đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án lại cho Công ty Việt Hưng Phát mở bán huy động vốn của khách hàng.

Trước đó, cơ quan công an TP.HCM cũng đã ra quyết định khởi tố về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Cty CP Địa ốc Kim Phát và Cty CP Đầu tư Việt Hưng Phát vì đã có hành vi gian dối trong bán hàng.

Theo đó, cả hai đơn vị này đã ký kết thực hiện một số hợp đồng môi giới, chuyển nhượng dự án bất động sản tại các dự án thuộc tỉnh Đồng Nai và Long An. Trong quá trình giao dịch bán hàng, Kim Phát và Việt Hưng Phát có hành vi gian dối trong quá trình tổ chức môi giới tư vấn, tiếp thị các dự án bất động sản để khách hàng tin tưởng ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, thay vì ký hợp đồng mua bán theo đúng quy định pháp luật thì hai công ty này đã tổ chức ký kết hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tất cả hợp đồng này đều trái với nội dung các hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư dự án. Sau đó, Kim Phát và Việt Hưng Phát đã thu tiền, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. PC46 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện tại, PC46 đã triệu tập các đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Được biết, từ giữa năm 2016 đến nay, nhiều khách hàng ký hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Kim Phát để mua đất nền các dự án ở Đồng Nai và Long An. Tuy nhiên, Kim Phát đã thay đổi tên dự án, nâng giá bán nền đất và ký với khách hàng các hợp đồng thỏa thuận dân sự chồng chéo để hợp thức hóa khoản tiền chênh lệch từ 80-300 triệu đồng/nền.

Đáng nói, Kim Phát không xuất hóa đơn cho khách hàng mà chỉ đưa một tờ phiếu thu. Ở tình trạng tương tự, theo cơ quan cảnh sát điều tra, Công ty Việt Hưng Phát cũng ký hợp đồng với khách hàng về việc góp vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với dự án ở Đồng Nai. Dù khách hàng đã chuyển tiền nhưng Việt Hưng Phát không chuyển hồ sơ pháp lý cho khách hàng.

Được biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai để thu thập các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; các văn bản về giải phóng mặt bằng, bồi thường, đền bù giải tỏa dự án; các tài liệu về thực hiện nghĩa vụ tài chính cho nhà nước, bảo lãnh ngân hàng của chủ đầu tư với dự án; hồ sơ chuyển nhượng dự án...

Theo ông, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nếu chỉ tiếp cận thông tin rao bán, người sử dụng đất khó có thể phân biệt các dự án phát triển khu dân cư hợp pháp hay không hợp pháp. Do đó, để tránh rủi ro, người mua nên tìm hiểu kỹ thông tin về dự án qua các cơ quan nhà nước như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc văn phòng đăng ký đất đai, phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, thị xã hoặc thành phố. Không nên mua các thửa đất không rõ ràng về pháp lý.

Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện vừa qua cho thấy 5 địa phương đang "nóng" về tình trạng tự phân lô, bán nền là: TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.

Những địa phương này có tình trạng đầu nậu thu gom đất nông nghiệp, lấy lý do xin cải tạo đất, tiến hành san lấp mặt bằng rồi tự phân lô, bán nền. Sau khi mua đất, nhiều người dân lén lút xây dựng nhà ở. Trong quý I/2018, đoàn kiểm tra phát hiện 137 trường hợp xây dựng trái phép và đã buộc 69 trường hợp phải tháo dỡ. Trước đó, năm 2017 có gần 700 trường hợp tương tự và đã có 420 trường hợp xây dựng trái phép bị buộc tháo dỡ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top