Aa

Đồng Nai: Cả triệu người lao động chưa có nhà ở chính thức, nghẽn ở đâu?

Thứ Ba, 06/03/2018 - 15:00

Đồng Nai hiện có khoảng 32 khu công nghiệp với hơn 1,2 triệu người lao động đang làm việc, trong đó hơn 80% (khoảng 1 triệu người) chưa có nhà ở chính thức. Hiện khu vực này chỉ có khoảng 13.000 cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng gần 180.000 chỗ trọ với mức giá thuê từ 2,2 – 3 triệu đồng/phòng 15m2.

Chủ yếu những khu trọ cho người lao động thu nhập thấp đều kém chất lượng, thậm chí có gia đình 3 thế hệ phải sống trong phòng trọ 15m2.

Theo Liên đoàn Lao động Đồng Nai, mức thu nhập bình quân hiện tại của người lao động khu vực này từ 6 - 8 triệu đồng/tháng/người, đã có sự cải thiện tương đối so với các năm trước. Nhưng theo chia sẻ của hầu hết người lao động, dù lương tăng nhưng không thể bằng mức tăng của sinh hoạt phí bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, xăng...

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người lao động, trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Đồng Nai đã đề ra kế hoạch hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cho đến đầu năm 2018, kế hoạch này mới chỉ đạt được bước nhỏ khi xây dựng được 2.700 căn. Trong 90 dự án nhà ở xã hội được quy hoạch mới hoàn thành 29 dự án, 38 dự án đang triển khai.

Tỉnh Đồng Nai đặt ra kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành 20 nghìn căn nhà ở xã hội song đến nay, kế hoạch này vẫn

Tỉnh Đồng Nai đặt ra kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành 20 nghìn căn nhà ở xã hội song đến nay, kế hoạch này vẫn còn khá chậm trễ.

Theo ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp ngại tham gia các dự án nhà ở xã hội vì vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. Bên cạnh đó, do vốn ngân sách có hạn nên việc triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà ở xã hội chưa thực hiện cũng khiến nhà đầu tư gặp trở ngại.

Tại nhiều địa phương, trên thực tế quỹ đất công cho làm nhà ở xã hội đã có sẵn nhưng việc thu hút đầu tư không đơn giản vì không có nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Riêng tỉnh Đồng Nai cũng đã chuẩn bị 237ha đất công để giới thiệu cho nhà đầu tư làm nhà ở xã hội. Nếu thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả thì đến năm 2025 có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 300 ngàn người.

Đại diện Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho rằng, muốn người lao động mua được nhà ở, doanh nghiệp địa ốc cần đưa ra nhiều chính sách ưu đã về giá, cách thức thanh toán linh hoạt với lãi xuất vay thấp (mức thanh toán ban đầu thấp chỉ khoảng trên 100 triệu đồng, mỗi tháng trả khoảng 4 - 6 triệu đồng)... có như vậy cơ hội mới mở rộng hơn cho nhiều người lao động tại đây.

Trao đổi với Reatimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã chỉ ra những điểm nghẽn khiến cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội bị chậm trễ, đối tượng người lao động thu nhập thấp luôn trong “cơn khát” nhà ở.

Cụ thể, điểm nghẽn thứ nhất theo ông Châu là nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia nhà ở xã hội.

Hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang gặp trở ngại do chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn từ ngân sách. Việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội mà chưa có nguồn vốn mới nên các doanh nghiệp đang đầu tư nhà ở xã hội đành phải chậm tiến độ vì thiếu vốn.

Có nhiều điểm nghẽn khiến việc xây dựng nhà ở xã hội bị chậm trễ.

Có nhiều điểm nghẽn khiến việc xây dựng nhà ở xã hội bị chậm trễ.

Chính phủ đã bố trí 1.062 tỷ đồng bổ sung cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định thêm bốn tổ chức tín dụng là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV để tham gia thực hiện chính sách nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để các tổ chức tín dụng này có căn cứ triển khai. Chính vì nguyên nhân đó mà trên thực tế hiện nay, cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Nhiều trường hợp do thiếu vốn nên chủ đầu tư phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận”, ông Châu nói thêm.

Trong khi đó, những doanh nghiệp đủ tiềm lực để thực hiện lại lo lắng nhà xây dựng xong, người lao động không được vay vốn ưu đãi để mua nhà thì nhà đầu tư cũng rất khó tiêu thụ sản phẩm.

Điểm nghẽn thứ hai là chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội. Theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, muốn đủ điều kiện vay vốn, khách hàng phải gửi tiết kiệm hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng.

Ông Châu cho rằng, khoản tiền gửi này phải được hưởng lãi suất bằng lãi suất thông thường ở các ngân hàng thương mại khác và nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng ở mức không quá 1 triệu đồng để phù hợp với khả năng tài chính của người vay.

Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2017 áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm nhưng về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị mức lãi suất từ 3 - 3,5%/năm.

Điểm nghẽn thứ ba là quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, theo ông Châu, Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhưng hiện nay nhiều dự án khu đô thị lớn không có quỹ đất này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top