326 dự án bị đề nghị hủy bỏ, Biên Hòa chiếm tới 27%
Theo kế hoạch sử dụng đất từ 11 huyện, thành phố của Đồng Nai năm nay, 326 dự án bị đề nghị hủy bỏ do nhiều nguyên nhân như quá 3 năm chưa thực hiện; chủ đầu tư không có vốn; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các dự án ở nhiều loại hình, như khu dân cư, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, đất sản xuất, đường giao thông...
Trong các địa phương, TP. Biên Hòa có số dự án bị đề nghị hủy bỏ nhiều nhất, lên tới 89, chiếm tỷ trọng 27%. Huyện Xuân Lộc và TP. Long Khánh cũng có lượng lớn dự án bị đề nghị hủy bỏ, lần lượt đạt con số 48 và 43.
Huyện Long Thành chỉ có 21 dự án bị đề nghị hủy bỏ nhưng lại sở hữu dự án có diện tích lớn nhất trong đợt này, lên tới 580ha. Đó là khu công nghiệp Long Đức, giai đoạn 2, ngừng do chủ đầu tư không có vốn.
Tại TP. Biên Hòa, một số dự án lớn bị đề nghị ngừng thực hiện như Khu đô thị sinh thái Phước Tân, 56ha, quy hoạch từ 2015 nhưng quá 3 năm chưa thực hiện. Khu dân cư Tân Cang, gần 46ha bị hủy do chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tại huyện Xuân Lộc, Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (Phân khu 3C), diện tích 409ha; Khu dân cư ấp Trảng Táo, 221ha, đều bị hủy do quá 3 năm chưa thực hiện. Khu dân cư 2 bên đường Lê Duẩn - Nguyễn Văn Cừ, 58 ha, hủy do thay đổi hình thức đầu tư.
Tại huyện Định Quán, dự án đường Xuân Bắc - Thanh Sơn, diện tích 130ha hay dự án mở rộng mỏ đá xây dựng Gia Canh, 46ha cũng đều bị hủy bỏ.
TP. Long Khánh có 43 dự án bị hủy bỏ do chưa triển khai thực hiện, chưa bố trí được vốn. Các dự án đều có diện tích nhỏ, không quá 5ha.
Tại Nhơn Trạch, dự án có diện tích bị hủy bỏ lớn nhất là khu dân cư theo quy hoạch tại xã Phú Hữu do công ty Tây Hồ làm chủ đầu tư, diện tích 199ha. Nhiều dự án khác vài chục hecta như vườn sản xuất rau an toàn xã Phước An (71ha), Khu dân cư Long Tân (xã Long Tân, 62ha), Khu dân cư theo quy hoạch xã Long Tân (46,5ha). Lý do bị hủy bỏ chủ yếu là chưa thực hiện theo kế hoạch.
Những dự án trên 100ha bị đề nghị hủy bỏ
Nằm trong danh sách các dự án bị đề nghị hủy kế hoạch sử dụng đất của huyện Long Thành năm 2020, Khu công nghiệp Long Đức (giai đoạn 2) có diện tích lớn nhất, lên tới 580ha nhưng chủ đầu tư không có vốn. Khu công nghiệp này được đi vào hoạt động từ năm 2013, được đánh giá có địa thế đắc địa, sát dự án quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành và cách trung tâm TP.HCM 40 phút chạy xe. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Long Đức.
Khu công nghiệp Long Đức (giai đoạn 2) được quy hoạch tập trung vào các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên các loại hình công nghệ cao sử dụng lao động có tay nghề, công nghiệp phụ trợ và các hoạt động logistics. Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của Khu công nghiệp Long Đức mở rộng giai đoạn 2. Trong đó, phần lớn diện tích được quy hoạch thành đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp.
Một dự án lớn thứ 2 khác là Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico (Phân khu 3C) tại huyện Xuân Lộc, diện tích 409ha. Phân khu 3C làm nhiệm vụ trồng trọt, chế biến thực phẩm thuộc Khu liên hợp Công nông nghiệp Agropark với tổng diện tích gần 2.000ha. Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai. Khu liên hợp được khởi công từ năm 2010, dự kiến triển khai trong 5 năm với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho 5 phân khu.
Đối với dự án Khu dân cư ấp Trảng Táo, diện tích 221ha tại huyện Xuân Lộc cũng bị hủy do 3 năm chưa được thực hiện. Dự án này thuộc diện sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đưa vào danh mục thu hồi đất nhưng đến nay chưa được triển khai. Nguyên nhân khiến các địa phương chưa triển khai được dự án là vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian nên hiện mới chỉ thực hiện các thủ tục chuẩn bị để làm hồ sơ thu hồi đất, chưa tiến hành thu hồi đất, khởi công dự án.
Trong danh sách có một dự án trong lĩnh vực giao thông là đường Xuân Bắc - Thanh Sơn, huyện Định Quán. Dự án đã được Bộ Bộ GTVT duyệt quy hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, do đó tỉnh đề nghị bỏ ra khỏi danh mục kế hoạch sử dụng đất năm 2020.