Ông Tạ Huy Hoàng (Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai) cho biết, giai đoạn 2014 - 2015 Đồng Nai đã hoàn thành trên 1.600 căn nhà ở xã hội (NƠXH), trong đó Tổng Công ty IDICO hoàn thành hơn 700 căn, Công ty Xuân Mai 184 căn và khu NƠXH trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP Biên Hòa.
Hiện Đồng Nai đang triển khai 45 dự án NƠXH nhưng mới có 32 dự án đang tiến hành xây dựng và có thông tin cụ thể về số căn, bao gồm 25 dự án nhà ở cho công nhân và NƠXH cho các đối tượng (17.329 căn), 7 dự án nhà ở cho sinh viên (2.185 căn). Còn lại 13 dự án, hiện mới chỉ ở giai đoạn lập quy hoạch hoặc đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Các dự án này tập trung chủ yếu ở Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch và Trảng Bom vì những nơi có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động.
Được biết, theo Dự thảo Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2016 – 2020 Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 20.000 căn NƠXH. Để hoàn thành mục tiêu này, Đồng Nai đã phải đưa ra các giải pháp về đất đai, tài chính, kế hoạch xây dựng...
Trước hết, Đồng Nai xác định để làm được NƠXH trước hết phải có quỹ đất, trước mắt là quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định. Do đó, các cơ quan chức năng tỉnh này đã tiến hành rà soát, phân loại theo nhóm dự án và cương quyết thu hồi nếu chủ đầu tư không thực hiện đầu tư xây dựng NƠXH ở những vị trí thuận lợi. Đối với những vị trí không thuận lợi, cơ quan chức năng yêu cầu nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Riêng quỹ đất 20% từ các các dự án đang trình phê duyệt hoặc sẽ trình phê duyệt trong thời gian tới tại đô thị loại III trở lên hoặc quy hoạch sẽ là đô thị loại III trở lên thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn một trong ba hình thức giải quyết đối với quỹ đất 20% theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần cam kết về lựa chọn hình thức áp dụng và thời điểm thực hiện nghĩa vụ khi dự án được phê duyệt. Đồng thời cũng sẽ có cơ chế giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết và các biện pháp xử lý nếu chủ đầu tư vi phạm.
Ngoài ra, Đồng Nai cũng đưa ra giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng NƠXH theo hình thức BT (Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao) với vốn đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất tương ứng. Bên cạnh nguồn vốn sử dụng để phát triển NƠXH theo dự án, cơ quan chức năng cho rằng cần chú ý tới nguồn vốn của người dân tự đầu tư xây dựng nhà trọ để cho các đối tượng xã hội thuê ở. Cần có các chính sách cụ thể như miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất, miễn giảm thuế… để huy động tối đa nguồn lực này nhằm giảm bớt áp lực cho phát triển NƠXH theo dự án.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp đầu tư NƠXH cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh trong phát triển NƠXH. Mặc dù bây giờ đã có nhiều cơ chế chính sách nhưng khi doanh nghiệp tiếp cận vẫn gặp cả “rừng” thủ tục nên vẫn khó. Hơn nữa lợi nhuận cũng là bài toán mà doanh nghiệp đầu tư cần cân nhắc kỹ, ngoại trừ những doanh nghiệp đầu tư vì trách nhiệm cộng đồng.