Aa

Đông nhớ vàng Thu…

Thứ Ba, 14/11/2023 - 06:10

Đã qua tiết Lập đông, cơn gió lạnh đầu mùa rụt rè ngoài phố. Vẫn có những chiều nắng bỗng bừng lên, nhưng đã không còn buông những sợi tơ vàng, khiến tôi nao lòng nhớ một màu vàng Thu trong trẻo…

Tôi không muốn lập bảng “phong thần” cho các mùa, nhưng có lẽ thu vẫn là mùa đẹp nhất trong năm. Trên khắp trái đất này, đâu đâu người ta cũng gọi là Mùa Thu Vàng. Ơ… Mà ở các xứ sở khác nhau, thu lại không đến cùng một thời điểm. Không cùng thời điểm nhưng đã là thu thì nhất thiết phải… vàng. Thế là có lúc tôi lại lẩn thẩn nghĩ, phải chăng người ta lấy chính cái tiêu chí “vàng” để chọn mùa cho thu.

Ở các xứ lạnh, thu vàng hiển nhiên là màu vàng của cây lá. Tôi chưa từng được đắm mình trong cái màu vàng ấy bao giờ, mà chỉ biết đến cái mùa vàng như thế lần đầu tiên là qua bức tranh “Mùa thu vàng” nổi tiếng của danh họa Levitan ở xứ sở bạch dương. Có mấy dịp được xuất ngoại Ucraina, Nga hay Trung Hoa, Hàn Quốc và cả châu Âu, nhưng tôi đều sang vào cuối xuân hoặc sang hè, nên vẫn khát khao được ngắm tận mắt, được tận tay chụp bức hình những chiếc lá phong, cả một rừng phong vàng đỏ nơi xứ lạ.

Mà có khi hơn cả nỗi khát khao, đối với giới nhiếp ảnh thì một mùa thu vàng còn là nỗi ám ảnh mà ai cũng ước mong được một lần đắm chìm vào… Chẳng thế mà có nhiếp ảnh gia tôi được làm quen, nếu có thể mạn phép được gọi là bạn thì là bạn vong niên bởi ông hơn tôi có lẽ đến cả chục tuổi, ông mê đắm mùa vàng thu đến mức lên kế hoạch hàng mấy năm trời để năm nay thực hiện một chuyến sang xứ cờ hoa gần ba tháng trời chỉ để chụp… lá vàng. Theo như ông kể, ở xứ Hoa Kỳ ấy người ta còn lập hẳn một “Bản đồ lá vàng” trên mạng để cập nhật từng ngày ở từng địa phương về “mức độ lá vàng”, như hôm nay ở X lá đã vàng 60%, còn ở Y đã vàng tới 80% chẳng hạn, để cho du khách chọn nơi đến và thời điểm mình thích mà không lo “thất thủ”. Và theo ông “công bố”, trong chuyến đi ấy hai vợ chồng ông đã chụp được hơn 50.000 bức ảnh lá vàng, đủ thấy cái màu vàng lộng lẫy của thu ấy có sức hút lớn như thế nào…

Còn tôi, tôi yêu màu vàng thu bắt đầu từ thóc lúa, rơm rạ, từ bông hoa mướp cuối mùa, từ vạt hoa cải vàng góc vườn… Những hạt thóc vàng ươm trên sân phơi ngồn ngộn nắng. Và nhất là những đống rơm nơi đầu nhà chúng tôi hay chơi trốn tìm, và những hôm trở lạnh lại rủ nhau ra ngồi cạnh đống rơm sưởi nắng...

Lớn lên một chút, khi biết đọc thơ Nguyễn Mỹ, tôi chợt nhận ra màu thu trong sợi nắng mới thật lung linh làm sao:

Đôi bên là nắng

Thu đã đượm vàng

Nắng bay từng giọt - nắng ngân vang

Ở trong nắng có một ngàn cái chuông…

(Con đường ấy – Nguyễn Mỹ)

Từ bấy, thu ám ảnh tôi không chỉ bởi sắc vàng của cây lá mà còn là và quan trọng hơn là ở sắc nắng không mùa nào có được, không chỉ bởi màu vàng óng ánh như hổ phách mà trong cái nắng còn vương vương những sợi tơ trời và gieo từng giọt trong veo cứ ngân nga trong gió thu...

Một ngày thu mới không sớm như mùa hè nhưng cũng không muộn như mùa đông. Bắt đầu là ánh sáng nhè nhẹ hửng lên phía chân trời rồi cứ lan tỏa dần pha chút ráng vàng. Cho đến khi tia nắng mới rụt rè xuyên qua lớp sương mù hiện ra thì ông mặt trời đã lên được cả con sào. Ánh nắng sớm xuyên qua kẽ lá tạo thành tia nắng mà trong nhiếp ảnh gọi là “ray” hay “ray sáng”, “ray nắng”. Nắng trải vàng trên thảm cỏ xanh. Khu vườn bỗng trở nên lung linh, huyền ảo như trong cổ tích.

Các nhiếp ảnh gia có thể chụp được ray sáng vào nhiều mùa trong năm, nhưng riêng tôi nghĩ rằng, ray sáng chụp vào mùa thu là đẹp nhất. Mùa thu, đêm trời đã trở lạnh. Cái lạnh ấy làm ngưng đọng hơi nước thành những giọt sương trên lá cây ngọn cỏ, hạt sương rơi xuống thấm ướt nền đất. Sáng ra, nhưng tia nắng đầu tiên chiếu rọi, những hạt sương long lanh như ngọc. Ánh nắng làm bốc hơi những giọt sương, nhưng sáng thu không khí vẫn còn se lạnh lại làm hơi nước ngưng tụ tạo thành lớp sương mù rất đặc trưng của mùa thu.

Ánh nắng gặp lớp sương mù thì tán xạ qua những hạt hơi nước li ti giúp ta nhìn thấy được “ánh sáng”. Nhưng nếu là cả màn sương thì ta chỉ nhìn thấy một màn trắng mờ mờ… hơi sương. Còn nếu ánh nắng lọc qua kẽ lá tạo thành tia nắng khi gặp hơi nước sẽ nổi bật trên nền xanh của cây cối tạo thành “ray sáng” huyền ảo rất… liêu trai.  

Thời gian xuất hiện ray sáng thường rất ngắn, bởi khi mặt trời lên cao, không khí sẽ nóng lên nên hơi nước không còn ngưng tụ thành sương mù được nữa, do đó cũng không còn nguồn sáng thứ cấp do ánh sáng tán xạ để mắt ta nhìn thấy được. Nhưng đây lại là lúc không khí trong trẻo nhất của một ngày thu, làm cho nắng như lung linh màu hổ phách. Nắng chiếu lên những chóp nhà, nắng rải vàng mái phố, nắng lọc qua lá, qua hoa, nắng len lỏi vào tận con ngõ nhỏ… làm cho cảnh vật bỗng ngời lên trong nắng.

Tôi thích nhất nắng thu vào hai thời điểm trong ngày, một là lúc sáng sớm và hai là lúc chiều buông. Nắng sớm thì như trên đã nói, nó thật trong trẻo và tinh khôi; còn nắng chiều thì tôi có cảm giác nó thật mềm mại và dịu dàng, làm lòng ta bỗng trở nên ấm áp. Ấy là lúc trời đất đang thanh thản bỗng vàng rực lên, cứ như mọi vật tự nhiên cùng phát sáng. Cái thứ nắng này lạ lắm, nó tựa như ráng chiều nhưng lại không hẳn là ráng chiều; bởi ráng chiều chỉ bừng lên một lúc rồi nhạt đi rất nhanh chuyển sang màu bàng bạc, nhạt thếch. Chả thế mà các cụ đã từng ví: Gái thương chồng đang đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm. Còn cái nắng chiều thu lại có ánh vàng son lộng lẫy, mọi vật cứ như dát quỳ, lóng lánh trong sắc thu, có hôm kéo dài đến tận khi tắt nắng.

Cái nắng thu kỳ diệu đến nỗi tôi cứ có cảm giác nó chiếu rọi vào bất cứ đâu cũng làm cho mọi vật trở nên khác lạ. Những chiếc lá bình dị, những bông hoa hằng ngày rất đỗi đời thường, hay cả những bông hoa cỏ ven lối đi…, tất cả những điều bình dị ấy khi nhuốm nắng thu đều bỗng trở nên có hồn, ngời lên lấp lánh…

Nhưng nói đến màu thu là phải nói đến mùa thị chín, là hương hoa sữa... Rồi tất cả sắc vàng của thu ấy đọng dần vào hoa, vào quả, vào hạt cốm non, để rồi kết tinh trong làn hương đằm thắm, mềm mại, dịu dàng cứ lan tỏa trong đất trời sưởi ấm cả mùa đông…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top