Aa

Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Sáu, 05/01/2024 - 10:43

UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ có thông báo 15/TB-TTCP về việc kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, hành vi vi phạm pháp luật trong việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh phát hiện thông qua việc thu thập thông tin, tài liệu tại Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. 

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch kho ngoại quan; việc xác định giá trị tài sản (bồn chứa xăng dầu T10, T11, T12) để góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hóa dầu Phước Khánh chưa theo tiêu chuẩn thẩm định giá, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước; việc góp vốn bằng tiền mặt sai quy định.

Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp được hoàn lại vốn bằng tiền mặt với số tiền 18.900 triệu đồng. Đây là khoản tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn và giá trị cổ phần, có khả năng tài sản nhà nước được bán ra chưa được thẩm định lại...

Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp mua xăng dầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phúc, hạch toán nhập kho, xuất kho không rõ ràng, thiếu hồ sơ hạch toán nhập, xuất, tồn kho.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp, kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT, khẩn trương ban hành theo thẩm quyền để không ảnh hưởng việc cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và chuyển thông tin, tài liệu sang cơ quan điều tra, Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số nội dung được phát hiện trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu.

Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt- Ảnh 1.

Kho xăng dầu Phước Khánh của Công ty TNHH TM Dầu khí Đồng Tháp (Petimex).

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố "đầu vào" của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ việc phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Hàng năm, thị trường trong nước, tiêu thụ khoảng 18,5 - 20,5 triệu tấn xăng dầu (xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 14,3 triệu tấn), nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, có xu hướng tăng dần. Trong những năm qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan đã có nhiều cố gắng trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội...

Riêng trong năm 2021 và 2022, thị trường xăng dầu thế giới, có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên... ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Qua đó, một số cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số Bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm... dẫn đến, gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế...

Những hạn chế, thiếu xót xuất phát từ 2 nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do cơ chế, chính sách về kinh doanh xăng dầu còn một số bất cập, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, tăng, giảm bất thường, nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát tăng cao...

Nguyên nhân chủ quan là dác bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành (giá cơ sở chưa bám sát với sự biến động của thị trường, một số chi phí chưa điều chỉnh kịp thời...); hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian; một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhà nước; thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu. Tuy nhiên, chưa có biện pháp quản lý, xử lý hiệu quả... Điều này dẫn đến tồn tại bất cập vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top