Aa

Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm bất động sản trong phiên cuối tuần

Thứ Bảy, 12/09/2020 - 06:16

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản có vốn hóa vừa và nhỏ được kéo lên mức giá trần hoặc tăng rất mạnh.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối tuần 11/9 với diễn biến tiêu cực khi áp lực bán vẫn chiếm ưu thế và đẩy nhiều cổ phiếu trụ cột lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Các chỉ số ngay từ đầu phiên cũng đồng loạt giảm điểm. Tuy nhiên, lực cầu trở lại đã kéo nhiều mã vốn hóa lớn tăng giá, các chỉ số vì vậy cũng không còn biến động tiêu cực mà giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu.

Các cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho đà tăng của các chỉ số là VIC, CTG, HDB, VCB, SHB,… Trong đó, VIC tăng 0,7% lên 91.100 đồng/cp, CTG tăng 1,2% lên 25.600 đồng/cp, HDB tăng 3,6% lên 30.350 đồng/cp, SHB tăng 5% lên 14.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 11/9. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, BCM, VNM, SAB, THD… gây áp lực rất lớn lên thị trường chung. BCM giảm sâu 3,8% xuống 43.300 đồng/cp, VNM giảm 0,7% xuống 123.800 đồng/cp, KDC giảm 1,4% xuống 36.300 đồng/cp, BVH giảm 1,3% xuống.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 11/9. Nguồn: Fialda.

Tâm điểm của thị trường phiên 11/9 tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng. Ở riêng nhóm bất động sản, các mã như NTB, KHA, HTT, PPI, PFL, BII, OGC, SGR, VRC và DTA đều được kéo lên mức giá trần. Trong đó, đây là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của KHA sau khi doanh nghiệp này công bố sẽ chi cổ tức đến hết năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 47%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 4.700 đồng. Đồng thời KHA cũng chốt quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền tỷ lệ 20%. Tổng tỷ lệ chi trả 67%. Thời gian thanh toán 29/9/2020.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá rất mạnh. VPH tăng đến 6,2%, PWA tăng 5,1%, HDG tăng 5%, NTL tăng 5%, PDR tăng 4,8%, LDG tăng 3%.

Chiều ngược lại, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu bất động sản khác giảm giá trong đó, S29, STL, DTI, OCH và PVR đều bị kéo xuống mức giá sàn. TIG giảm 1,4%, IDJ giảm 1,1%, HAR giảm 1,1%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,15 điểm (0,02%) lên 888,97 điểm. Toàn sàn có 196 mã tăng, 197 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,39 điểm (0,31%) lên 126,21 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 76 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (0,1%) lên 59,09 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt 408 triệu cổ phiếu, trị giá 6.400 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là DLG, HQC, ITA và LDG. Trong đó, DLG khớp lệnh 8 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 11/9. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng gần 292 tỷ đồng, trong đó, bán ròng chủ yếu ở sàn HoSE với 309 tỷ đồng. Sàn UPCoM cũng bị bán ròng hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi đó, sàn HNX được mua ròng 21 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh có VHM, KDH, NBB và KBC. Chiều ngược lại, NLG được mua ròng mạnh với 26 tỷ đồng. VRE và VIC cũng được mua ròng lần lượt 25 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Kết tuần, VN Index giảm xuống mức 888,97 điểm (giảm 12,57 điểm, tương đương -1,39%), trong khi HNX Index dừng tại mức 126,21 điểm (tăng 0,05% so với tuần trước). Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 7.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn chính. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 9,6% lên 34.557 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 0,04% xuống 1,7 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,4% xuống 3.049 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 15,8% xuống 258 triệu cổ phiếu.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm trở lại sau năm tuần tăng điểm liên tiếp với thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực bán trong tuần qua là tương đối mạnh. SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 875 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã bán ra một phần danh mục quanh ngưỡng 900 điểm (MA200 tuần) có thể tiếp tục canh những nhịp hồi phục lên quanh ngưỡng 900 điểm (nếu có) để bán tiếp. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 875 điểm.

Chứng khoán VCB (VCBS) cho biết, có thể thấy, tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối dè dặt đối với nhóm cổ phiếu “trụ”, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực trong tuần. Mặt khác, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Trong giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến của đại dịch Covid-19 để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục hướng tới quý cuối cùng của năm nay cũng như cho năm 2021.

Về thị trường chứng khoán châu Á, thị trường Trung Quốc có diễn biến trái chiều với Shanghai Composite tăng 0,79% còn Shenzhen Component tăng 1,57%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,95%. Tại Australia, ASX 200 giảm 0,83%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,74%, Topix tăng 0,72%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi gần như đi ngang với mức tăng chỉ 0,01%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top