Aa

Dòng tiền vẫn lớn, hàng loạt cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ tiếp tục bứt phá

Thứ Ba, 21/04/2020 - 06:00

Dù vấp phải áp lực rung lắc mạnh nhưng VN-Index vẫn duy trì được đà tăng. Dòng tiền tiếp tục duy trì ở mức cao và tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, áp lực bán đã xảy ra và khiến đà tăng của các chỉ số bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu vốn hóa lớn nên các chỉ số vẫn duy trì được sự cần bằng.

Các cổ phiếu như SAB, PLX, HVN, VCB, HPG… tác động tích cực nhất đến chỉ số chính VN-Index trong phiên ngày 20/4. Trong đó, SAB được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh hơn 100.000 đơn vị. PLX tăng đến 6% lên 43.900 đồng/cp. Các cổ phiếu dầu khí như PVB, PVD, PVS… đồng loạt bứt phá bất chấp giá dầu thế giới giảm. PVB và PVD đều được kéo lên mức giá trần.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 20/4. Nguồn: VDSC.

Sự phân hóa đã diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản, tuy nhiên, dòng tiền đầu cơ dường như vẫn tỏ ra mạnh mẽ và tập trung ở nhiều mã thuộc nhóm ngành này. Các mã như ITA, CLG, DXG, VRC, TIG… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SNZ tăng đến 13,3%, HPI tăng 9%, C21 tăng 9%, VCR tăng 8,5%, CCL tăng 6,3%...

Trong khi đó, 3 cổ phiếu bất động sản họ “Vin” giao dịch không mấy nổi bật. VIC chỉ tăng nhẹ 0,1%, VHM đứng giá tham chiếu, còn VRE giảm 1,1% xuống 26.200 đồng/cp. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh trong phiên hôm nay. DIH và PVL bị kéo xuống mức giá sàn. OCH giảm 7%, HDG giảm 4,9%, trước đó, HDG đã có 5 phiên tăng liên tiếp trong đó có đến 2 phiên được kéo lên mức giá trần.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,27 điểm (0,68%) lên 794,97 điểm. Toàn sàn có 212 mã tăng, 154 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,78 điểm (-0,71%) xuống 109,68 điểm do thiếu vắng lực đỡ từ các cổ phiếu trụ cột. Toàn sàn có 98 mã tăng, 70 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (0,92%) lên 52,64 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE, HNX và UPCoM đạt 438 triệu cổ phiếu, trị giá 6.300 tỷ đồng. ITA là cổ phiếu bất động sản khớp lệnh mạnh nhất thị trường phiên hôm nay nay, lên đến 22,4 triệu cổ phiếu, ITA cũng đã có đến 3 phiên tăng trần liên tiếp.

Khối ngoại vẫn bán ròng đến hơn 400 tỷ đồng trong đó riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng đến 342 tỷ đồng (giảm 12,7% so với phiên trước. Đây là phiên bán ròng thứ 15 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn này với tổng giá trị hơn 4.150 tỷ đồng. VIC vẫn là cái tên bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị gần 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một cổ phiếu bất động sản lớn khác là VHM cũng bị bán ròng 11 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE là mã bất động sản duy nhất được lọt vào top mua ròng của khối ngoại với giá trị 5,6 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 1,1% và 0,8%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,5% và 1%. Ngược lại, Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2%. ASX 200 của Australia giảm mạnh nhất khu vực, mất 2,4%. NZX 50 của New Zealand cũng giảm 0,1%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,6%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 1,3%, trong khi KLCI của Malaysia tăng 0,4%, SET 50 của Thái Lan tăng 2,6%.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), dòng tiền đổ mạnh vào thị trường cho thấy tâm lí lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có diễn biến khả quan. Tuy vậy, việc giá dầu sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm và NHTW Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay kì hạn 1 và 5 năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế, cũng cho thấy rủi ro về mặt vĩ mô là vẫn còn tồn tại. Theo đó, nhà đầu tư nên thận trọng với vùng kháng cự mạnh của chỉ số quanh ngưỡng 800 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top