Aa

Chứng khoán Việt thêm một tuần khởi sắc, nhóm bất động sản hút dòng tiền

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 05:55

Thị trường tiếp tục đi lên bất chấp việc khối ngoại vẫn bán ròng mạnh. Hàng loạt nhóm ngành đều tăng giá tốt trong đó có nhóm bất động sản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua tiếp tục diễn biến khởi sắc. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 789,6 điểm, tương ứng giảm 4,18% so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp chỉ số này ghi nhận sự tăng điểm so với tuần trước. 

VN-Index cũng lọt vào top 10 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới và đứng ở vị trí thứ 9, bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thoát khỏi top 10 thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất 3 tháng.

Tuần qua HNX-Index cũng tăng 4,03% lên 110,46 điểm. UPCoM-Index tăng 2,55% lên 52,16 điểm.

Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.700 tỷ đồng mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 3,8% lên 20.984 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 10,1% xuống 1.327 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 2,9% xuống 2.799 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 12,3% xuống 254 triệu cổ phiếu.

Hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá trong tuần giao dịch vừa qua. VNM là cái tên hiếm hoi trong nhóm vốn hóa lớn giảm giá sau 1 tuần giao dịch. VNM giảm từ 99.600 đồng/cp xuống 99.300 đồng/cp tương ứng mức giảm 0,3%.

Trong khi đó, các cái tên như SAB, HVN, VPB, MWG, FPT hay HPG đều diễn biến hết sức tích cực. SAB tăng đến 17,3% chỉ sau 1 tuần giao dịch và là nhân tố chủ chốt, đóng góp nhiều nhất cho VN-Index. Cổ phiếu này đã góp đến 4,47 điểm cho VN-Index.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cả 3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC, VHM và VRE đều tăng tốt. Trong đó, VRE tăng mạnh nhất với 11,3%. VHM tăng 2,1%, VIC tăng 1,2%. Số điểm đóng góp của 3 cổ phiếu trên cho VN-Index cũng là khá lớn với lần lượt 1,8 điểm, 1,3 điểm và 1,06 điểm.

Bên cạnh đó, đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, diễn biến tích cực cũng là chủ đạo ở tuần vừa qua đặc biệt dòng tiền vào nhóm này tăng mạnh trong phiên cuối tuần. DTA là cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất với 39%. HDG cũng tăng đến 28,3%. TDH tăng 27,8%. Các cái tên tăng mạnh trong nhóm này còn có DRH (26,7%), BCM (23,4%), SID (21%), SZB (19%), ITA (15%)…

Chiều ngược lại có một vài cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch tiêu cực như CLG (giảm 11,7%), PTL (giảm 7,6%), NVT (-giảm 3,4%)…

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 13-17/4.

Khối ngoại vẫn là gánh nặng cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi có tuần bán ròng thứ 12 liên tiếp của nhóm này trên HoSE với giá trị lên đến gần 14.200 tỷ đồng. VIC vẫn là cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị 332 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 mã DXG và VHM đều có tên trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại với 49,4 tỷ đồng và 38,6 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE, NLG, NVL hay KDH đều là các cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh. VRE được mua ròng 40 tỷ đồng.

Theo quan sát của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), đại dịch Covid-19 có dấu hiệu tạo đỉnh tại Mỹ và một số nước châu Âu cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư trong nước tiếp tục tích cực khiến dòng tiền nội quay trở lại để giúp thị trường hồi phục trong tuần thứ ba liên tiếp. Trên khía cạnh kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng 780 điểm (fibonacci retracement 38,2% của nhịp giảm từ đầu năm tới nay) qua đó nâng target ngắn hạn tiếp theo lên ngưỡng tâm lý 800 điểm. Xét ở một khía cạnh khác, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua với khoảng 1.250 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là điểm tiêu cực cần lưu ý. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 4 vẫn thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 là 18,48 điểm cho thấy nhà đầu tư vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ sớm điều chỉnh trở lại.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, sự tích cực tiếp tục diễn ra trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư kỳ vọng vào thuốc điều trị Covid-19. Chốt tuần, Dow Jones tăng 2,2%, S&P 500 tăng 3%. Nasdaq tăng 6,1%, ghi nhận hai tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top