TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ với báo chí bên lề Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 7/5.
PV: Thưa ông, Việt Nam sẽ đón nhận những cơ hội gì khi thế giới đang dần chuyển sang giai đoạn hậu COVID -19?
TS. Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh thế giới thời hậu COVID-19 sẽ có một sự chuyển dịch rất mạnh mẽ của những chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng chảy thương mại và cung ứng toàn cầu sẽ đảo chiều, các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ có xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng đảm bảo sự an toàn và tin cậy. Với vị thế địa chính trị, địa kinh tế, với vị thế của một điểm đến an toàn trong đầu tư kinh doanh, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón nhận dòng vốn đầu tư có chất lượng cao đó. Như vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” trong quá trình tái khởi động và phục hồi kinh tế.
Để tận dụng những cơ hội này, bên cạnh thực hiện các gói giải pháp trợ giúp doanh nghiệp mà chính phủ đã ban hành, việc triển khai một loạt các hoạt động khác, bao gồm mở cửa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế và các hoạt động để nâng cấp quản trị của doanh nghiệp trở thành những biện pháp đồng bộ quan trọng. Sự cộng hưởng của những giải pháp này sẽ tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế.
Về mở cửa thị trường, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, nhằm tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Đặc biệt là những hiệp định tự do thế hệ mới đang mở ra như CPTPP, EVFTA. Đối với thị trường trong nước, cần tăng cường kết nối các hiệp hội doanh nghiệp để chinh phục thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế tăng trưởng cao, với tầng lớp trung lưu đang bùng nổ.
Trong cải cách thể chế, đây là giai đoạn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Có rất nhiều việc chúng ta đã thực hiện khá chậm trễ, thì bây giờ là thời điểm thúc đẩy cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng mà chính phủ đang chủ trương, đó là đẩy mạnh đầu tư công. Tôi mong muốn đầu tư công sẽ tập trung vào việc tạo lập nền tảng kinh tế số.
Qua khảo sát của VCCI về PCI, sự quan tâm và kế hoạch của các doanh nghiệp Việt Nam trong ứng dụng kinh tế số khá mạnh mẽ. Có 75% doanh nghiệp cho biết, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và tự động hóa trong tương lai. 1/4 đến 1/3 số lượng công việc do người lao động đảm nhiệm hiện nay sẽ được tự động hóa. Đây là động lực quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thủ tục hành chính và những quy định pháp lý trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay?
TS. Vũ Tiến Lộc: VCCI và các địa phương đã có phản ánh sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật về kinh doanh. Hiện nay, các dự án đầu tư, xây dựng đang gặp trở ngại rất lớn về thủ tục, như vậy sẽ không thể đẩy nhanh quá trình đưa dự án vào sản xuất, kinh doanh. Cho nên, cải cách hệ thống pháp luật, xóa bỏ những chồng chéo bất hợp lý về thể chế là việc làm quan trọng hàng đầu. Quốc hội và Chính phủ đã có chỉ đạo về rà soát và dỡ bỏ để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh môi trường pháp lý, thể chế còn điều bất cập, một cơ chế bảo vệ những người hay tổ chức dũng cảm dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vượt lên vì lợi ích chung cũng cần được ban hành. Bộ Chính trị đang có chủ trương về việc này, tôi cho rằng điều đó vô cùng quan trọng. Đây được ví như “chiếc áo giáp sắt” bảo vệ cho những nỗ lực sáng tạo của cán bộ và chính quyền các địa phương, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển trong thời gian tới.
Trong lịch sử, chúng ta đã có những sáng tạo như “khoán chui” để mở đầu cho quá trình cải cách ở Việt Nam, bây giờ cũng cần đột phá vào thể chế nhằm thúc đẩy cho sự phát triển, bằng cơ chế bảo vệ người dũng cảm, sáng tạo.
PV: Tuy nhiên, trên thực tế việc cắt giảm các thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. Vậy, theo ông vấn đề này cần phải được xử lý như thế nào?
TS. Vũ Tiến Lộc: Vấn đề tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xóa bỏ những rào cản trong kinh doanh cần sự nỗ lực từ hai phía. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thứ hai, tăng cường kỷ luật thực thi.
Kết quả nghiên cứu của PCI sau 15 năm cho thấy, 2019 là năm có điểm số trung vị PCI cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Điều này cho thấy sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền đã tăng lên. Qua chỉ số PCI chúng tôi nhận thấy rất rõ sự đồng điệu hơn và hội tụ cao trong cải cách ở các địa phương. Các địa phương ở nhóm sau đã có sự vươn lên bắt kịp các địa phương ở nhóm tiên phong. Đây là xu thế đáng khuyến khích.
Tuy nhiên, so với sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp thì không gian của cải cách vẫn còn rất lớn. Địa phương đứng đầu trong bản xếp hạng PCI năm nay vẫn còn đến 30% dư địa có thể tiếp tục cải cách.
Có hai điều quan trọng cho việc thúc đẩy thực thi, tăng cường sự sáng tạo, trách nhiệm cao hơn của chính quyền với doanh nghiệp, sự tận tâm của công chức đối với doanh nghiệp. Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tránh những điểm mờ, chồng chéo, giảm bớt rủi ro. Thứ hai, cơ chế bảo vệ người vì lợi ích chung của đất nước mà vượt lên những quy định.
Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát và thúc đẩy cải cách các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Đồng thời, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
PV: Điều ông mong muốn được chia sẻ tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp tới đây là gì?
TS. Vũ Tiến Lộc: Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, triển khai thực hiện tốt các gói giải pháp chính phủ đã ban hành. Cấp thiết nhất lúc này là những giải pháp hỗ trợ đó cần được thực thi thật nhanh. Chúng ta đang phòng chống dịch COVID -19 với tinh thần như trong thời chiến. Nhanh một ngày doanh nghiệp chiến thắng, chậm một ngày doanh nghiệp sẽ thất bại.
Thứ hai, tích cực mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư công. Đầu tư công sẽ đem lại việc làm cho các doanh nghiệp và tạo ra sức cầu của nền kinh tế. Đây cũng chính là nền tảng cho sự bứt phá của doanh nghiệp sau này.
Trân trọng cảm ơn ông!