Aa

Dư 29.000 tỷ đồng quỹ công đoàn - Kẻ ăn không hết người lần không ra

Chủ Nhật, 13/09/2020 - 10:55

Kết quả kiểm toán chỉ ra rằng, trong khi các công đoàn cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, thậm chí mất cân đối thu - chi, thì công đoàn cấp trên lại tích lũy số lượng lớn chỉ để gửi ngân hàng lấy lãi.

Mấy hôm nay, dư luận xã hội dồn sự quan tâm và có phần bất ngờ sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra số dư tích lũy tài chính công đoàn đến hết năm 2019 là gần 29.000 tỷ đồng. Gần 29.000 tỷ đồng là ít hay nhiều? Thực ra cũng rất khó nói. Bởi muốn biết nhiều hay ít phải có sự so sánh. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối tương quan với đời sống người lao động - công đoàn viên hiện nay, thì con số trên là quá lớn.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, quá trình tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 cho thấy, thu đoàn phí công đoàn chiếm 5% - 27%, thu kinh phí công đoàn chiếm 57% - 64%, các khoản thu khác chiếm 11% - 16%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ chiếm khoảng 1%. Như vậy, riêng hai khoản thu đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn đã chiếm tới 62 - 91%. Do đó có thể nói, nguồn thu tài chính công đoàn nói chung và trong khoản kết dư 29.000 tỷ đồng nói riêng kia, chủ yếu là tiền đóng góp của người lao động - đoàn viên công đoàn. Bởi, ngoài khoản đóng góp trực tiếp là đoàn phí công đoàn, thì khoản kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương, suy cho cùng cũng là khoản đóng góp gián tiếp của công đoàn viên. Bởi vì, nếu giả dụ không đóng khoản kinh phí này thì người lao động đương nhiên sẽ được hưởng lợi từ khoản tiền đó.

Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2019, tỷ lệ chi cho người lao động/tổng chi là 59,6%. Còn theo kết quả kiểm toán năm 2019, tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chỉ còn 46%, tức là đã giảm 13,6%.

Công đoàn viên đóng góp quỹ tài chính công đoàn là để sử dụng vào mục đích phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của mình. Ấy thế mà, những đồng tiền chắt bóp từ đời sống còn khó khăn ấy, năm này qua năm khác lại tồn đọng cả một khoản lớn đến như thế thì cũng có nghĩa, nó đã không thực hiện đúng mục đích tốt đẹp đề ra. 

Tất nhiên, quỹ nào cũng phải có dự phòng. Nhưng với quỹ tài chính công đoàn có tính chất phúc lợi cao thì không cần dự phòng với hệ số lớn đến như thế. Bằng chứng là, theo số liệu của ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp, thì trong số 29.000 tỷ đồng đó, dư ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 3.793 tỷ đồng; tại 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành trung ương là 10.334 tỷ đồng; 1.269 công đoàn cấp trên cơ sở (quận, huyện) là 6.644 tỷ đồng. Trong khi đó, tại gần 121.000 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp, số dư chỉ là 7.593 tỷ đồng. Mà ngay kết dư ít ỏi này so với số lượng lớn người lao động ở đơn vị cơ sở, thì đến ngày 31/12/2019 cũng đã được chi hết phục vụ người lao động và đoàn viên công đoàn cho dịp Tết Nguyên đán 2020.

Rất cần những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê đón Tết như thế này

Theo Tổng Liên đoàn Lao động, tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn giai đoạn 2016 - 2019 là 65% để lại cấp cơ sở, năm 2020 tăng lên 70% và đến năm 2025 lên 75%. Riêng công đoàn phí, tỷ lệ để lại cho công đoàn cơ sở là 60% số thu.

Điều này cho thấy ba vấn đề: Thứ nhất, mục đích chính của quỹ công đoàn là để phục vụ công đoàn viên và nó chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng trực tiếp cho người lao động. Thứ hai, cấp công đoàn cơ sở, là nơi người lao động trực tiếp làm việc, khu vực có số đoàn viên công đoàn đông đảo nhất là cấp sử dụng hiệu quả nhất quỹ tài chính công đoàn. Thứ ba, tình trạng kinh phí công đoàn cấp trên kết dư lớn, trong khi cấp cơ sở không đủ để chi, phải chăng phản ánh việc phân bổ quỹ giữa các cấp chưa hợp lý, nơi cần nhiều để phục vụ trực tiếp cho người lao động thì được phân bổ ít, nơi cần ít thì lại phân bổ nhiều?

Tỷ lệ tổng chi/tổng kinh phí để lại tại cấp công đoàn cơ sở: 99,1%; công đoàn cấp trên cơ sở: 68,1%; cấp Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành: 45,4%; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 8,3%. Như vậy, nhu cầu chi ở cấp cơ sở cao, kinh phí chưa đủ đáp ứng, trong khi các cơ quan công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn, tăng tích lũy cuối kỳ.

Từ đây lại đẻ tiếp ra nghịch lý: Cấp trên chi không hết lại gửi tiền vào ngân hàng hoặc cho vay lấy lãi, lãi mẹ đẻ lãi con và lại nhập vào quỹ cấp trên. Trong khi cấp cơ sở không có tích lũy thì cũng chẳng lấy đâu ra lãi và thế là vặt mũi chẳng đủ đút miệng, được phân bổ đồng nào lại tiêu hết đồng ấy.

Điều đáng nói là, trong khi quỹ tài chính kết dư một khoản cực lớn chỉ để gửi ngân hàng lấy lãi như thế, thì ngày 10/9/2020, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, trong đó một trong những nội dung quan trọng là liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn, thì trong Tờ trình, Tổng Liên đoàn Lao động vẫn đề nghị giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn bằng 2% lương của người lao động.

Năm 2019, tại cấp Tổng Liên đoàn chi bình quân 434 triệu đồng/người; trong đó tiền lương 152 triệu đồng/người, chi quản lý hành chính 65 triệu đồng/người; chi hoạt động phong trào là 217 triệu đồng/người.

Cấp công đoàn quận/huyện, tỉnh thành, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, chi bình quân 479 triệu đồng/người; trong đó, tiền lương 153 triệu đồng/người, chi quản lý hành chính 65 triệu đồng/người, chi hoạt động phong trào 261 triệu đồng/người.

Quỹ công đoàn cấp trên dư tích lũy lớn trong khi cấp cơ sở trực tiếp chi cho người lao động luôn thiếu trước hụt sau

Xung quanh câu chuyện tồn đọng 29.000 tỷ đồng và việc phân bổ, sử dụng quỹ công đoàn này, Kiểm toán Nhà nước và dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi, đại loại như cán bộ công đoàn đang nhận thu nhập cao, trong khi chi cho người lao động ngày càng giảm, công đoàn cấp trên thu nhiều thì lại có ít khoản phải chi trong khi cấp cơ sở phải chi nhiều, chi trực tiếp cho người lao động thì lại có ít khoản thu… Trong bài viết này, chúng tôi không chủ định đi sâu phân tích những đúng sai trong việc sử dụng quỹ công đoàn, mà từ thực tế Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra như dẫn ở trên cũng như phản ánh của dư luận, chỉ xin nêu ba ý kiến sau:

Thứ nhất, quỹ công đoàn là để phục vụ cho công đoàn viên và phải được sử dụng hiệu quả, thiết thực cho đời sống người lao động, chứ không phải để gửi ngân hàng lấy lãi và ngày càng tăng kết dư trong quỹ cấp trên.

Do đó, thứ hai, nếu số thu của quỹ sử dụng không hết thì nên giảm tỷ lệ trong khoản thu kinh phí công đoàn bằng 2% lương người lao động, như vậy sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và gián tiếp sẽ tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ ba, cần xem xét phân bổ quỹ một cách hợp lý theo hướng tăng cho cấp cơ sở để bảo đảm thiết thực đời sống người lao động. Trong đó có việc, nếu quỹ của công đoàn cấp trên tồn đọng nhiều thì lãi gửi ngân hàng phải được phân bổ cho cấp cơ sở, bởi thực chất đó là tiền lãi từ sự đóng góp của người lao động.

Chỉ có như thế thì tiền đóng góp của hội viên công đoàn, người lao động mới được sử dụng một cách hiệu quả, đúng mục đích và tránh tình trạng “kẻ ăn không hết người lần không ra”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top