Aa

Dự án 1 luật sửa 7 luật: Sửa đổi để ngăn hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán

Thứ Năm, 07/11/2024 - 17:54

Thảo luận về Dự án 1 luật sửa 7 luật, vấn đề thao túng, lũng đoạn thị trường đã được các đại biểu đề cập. Cùng với đó, là những đề xuất sửa đổi, nhằm tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán trong tương lai gần.

Tại phiên thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 luật sửa 7 luật), ngày 7/11, nội dung liên quan đến thị trường chứng khoán được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán đã thay đổi

Các đại biểu đồng thuận việc cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán, nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện, bắt kịp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán; tăng cường sự an toàn, minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiều đại biểu đồng tình khi dự luật bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, quy định quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan đến các tội phạm về thị trường chứng khoán, trong đó có hành vi thao túng là cần thiết.

Trong đó, cần rà soát và làm rõ các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Bởi thực tế hiện nay, việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra rất phức tạp.

Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định trong luật hoặc giao Chính phủ quy định, đảm bảo các quy định có khả năng ngăn chặn được các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ.

Dự án 1 luật sửa 7 luật: Sửa đổi để ngăn hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)

Theo phân tích của đại biểu, một trong những điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm là cần thiết. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm cần phải thực hiện rõ ràng. Theo đó, Chính phủ có thể quy định tại các văn bản kết luận về các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng tín nhiệm hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cũng cho rằng, dự luật rất nên cân nhắc quy định về 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị nghiêm cấm.

Theo đại biểu, 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán được nêu tại dự thảo không mới. Tất cả hành vi này đã trải qua thời gian dài. Còn hiện tại, với nhiều vụ án về thao túng thị trường chứng khoán, cho thấy phương thức thủ đoạn đã khác. Nhưng chúng ta vẫn lấy lại đưa vào luật là rất cũ, không phù hợp với yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Công Long nêu ví dụ, hàng loạt vụ án nghiêm trọng xuất phát từ lỗ hổng của hoạt động kiểm toán, nhưng hiện thiếu tội danh liên quan kiểm toán độc lập.

Đáng chú ý, đại biểu nhắc đến chủ trương không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, dân sự. Trong các điều cấm không nên chỉ dựa vào quy định tại Bộ luật Hình sự, muốn phòng ngừa sớm, xử lý sớm, thì quy định về các điều cấm phải rộng hơn cấu thành tội phạm tại Bộ luật Hình sự.

"Nguyên tắc là phải xử phạt hành chính trước để ngăn chặn, trong một số trường hợp căn cứ vào tính chất gây nguy hiểm mới xử lý hình sự", ông Long cho hay.

Ngăn chặn tăng vốn điều lệ ảo

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) nêu ý kiến không đồng tình với đề xuất của Chính phủ tại khoản 3 Điều 18 của Luật Chứng khoán. Theo đó, Chính phủ đề xuất hồ sơ chào bán ra công chúng thì cần phải có báo cáo vốn điều lệ đã góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.

"Quy định này có thể phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn trong trường hợp doanh nghiệp có lịch sử hình thành lâu dài, hoặc có thể bỏ sót hàng hóa tốt trên thị trường chứng khoán", ông Toàn lo ngại.

Dự án 1 luật sửa 7 luật: Sửa đổi để ngăn hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trong khi đó, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo.

Cần sửa một số quy định để nâng hạng thị trường chứng khoán

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, chủ trương về nâng hạng thị trường chứng khoán được Nhà nước quan tâm và đã triển khai từ nhiều năm nay. Việc này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh đất nước đang cần huy động nhiều vốn cho những dự án quan trọng quốc gia sắp tới, hay cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh. Nhưng để thực hiện chủ trương này, cần chỉnh sửa một số quy định.

Trong đó, phải quan tâm về vấn đề đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) với hai lưu ý: Phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cũng như có các cơ chế quản lý, quản trị rủi ro.

Dự án 1 luật sửa 7 luật: Sửa đổi để ngăn hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đại biểu phân tích, quản trị rủi ro trước đây có thể hiểu là yêu cầu có tiền ký quỹ đặt trước khi giao dịch, để khi đặt lệnh giao dịch thành công thì sẽ có tiền đảm bảo hoàn thành thanh toán. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, khi nâng hạng sẽ có một yêu cầu DPP, nghĩa là khi giao hàng thì phải giao tiền đồng thời một lúc để tránh việc nộp tiền quá lâu. CCP cũng có thể giải quyết được vấn đề đó.

Thực tế, khi nhà đầu tư đã thực hiện đặt lệnh giao dịch, vẫn có rủi ro thanh toán khi trên thị trường chứng khoán của Việt Nam và quốc tế, nếu có những sự kiện đặc biệt, như khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997 hay khủng hoảng Covid-19 năm 2020. Lúc này các nhà đầu tư đã đặt lệnh giao dịch thì nghĩa vụ thanh toán sẽ thuộc về CCP. Khi đó sẽ có khối lượng tiền khá lớn và khả năng họ không hoàn thành thực hiện giao dịch cũng có thể xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra tính toán, cân nhắc kỹ vấn đề này.

Đặc biệt, theo đại biểu, việc cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cơ chế đối tác bù trừ trung tâm với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở là vấn đề tính chất kỹ thuật cao, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

"Hiện chúng ta có 4 ngân hàng nước ngoài đó là HSBC, Standard Chartered Bank, Citibank, Deutsche Bank. Về vấn đề chế đối tác bù trừ trung tâm này, có 2 ngân hàng tán thành, còn 2 ngân hàng yêu cầu phân tích, làm rõ thêm. Do vậy, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng cơ chế CCP phù hợp", ông Nam đề nghị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top