Thực tế, Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 9/2018 tới nay. FTSE Russell cho biết, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí về chu kỳ Thanh toán (DvP) hiện đang được đánh giá là "Còn hạn chế" (‘Restricted’) do thông lệ thị trường thực hiện việc kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch.
Theo FTSE Russell, như vậy, nghiễm nhiên là thị trường không có các giao dịch thất bại (failed trades), tiêu chí "Thanh toán - các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại" không được đánh giá.
Ngoài ra, yêu cầu phải có những cải thiện đối với quy trình đăng ký mở tài khoản do thông lệ thị trường có thể khiến kéo dài quá trình đăng ký mở tài khoản. Việc đưa ra cơ chế hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng được xem là biện pháp quan trọng.
Điểm nổi bật là FTSE Russell đánh giá cao quyết tâm hướng đến nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn luôn được duy trì một cách kiên định của Việt Nam từ sau kỳ công bố đánh giá thường niên vào tháng 9/2023.
Mới đây quyết tâm của Việt Nam được tái khẳng định bởi chính Thủ tướng Chính phủ. Vào ngày 28/2/2023, Thủ tướng đã cam kết một cách cụ thể rằng thị trường Việt Nam sẽ gỡ bỏ những rào cản có thể cản trở việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng (lên thị trường mới nổi) của FTSE vào năm 2025.
Các biện pháp đưa ra bao gồm việc sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ bỏ những rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Chẳng hạn, hiện nay Chính phủ đang rà soát về tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở các ngành nghề và đơn giản hoá quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mô hình đề xuất về thanh toán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra đang tiếp tục được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp, với sự tham gia và phối hợp tích cực của thành viên thị trường. FTSE Russell tiếp tục khuyến khích các cuộc làm việc giữa các tổ chức của Việt Nam và cộng đồng đầu tư quốc tế nhằm hỗ trợ cho việc có được hiểu biết tốt hơn về những khó khăn hiện tại các nhà đầu tư gặp phải khi tiếp cận thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025 như đề ra, điều quan trọng đó là mô hình thanh toán phải sớm được thống nhất và thông tin rộng rãi và sau đó bao gồm việc đưa ra vai trò và trách nhiệm các bên trong mô hình thanh toán đó, cũng như một lộ trình với các điểm mốc thời gian vạch ra lộ trình cho việc thực hiện.
FTSE Russell tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan quản lý khách, Nhóm Ngân hàng Thế giới - đối tác hỗ trợ chương trình cải cách thị trường.
Như vậy, căn cứ theo những khuyến nghị từ Uỷ ban Cố vấn phân hạng Thị trường Cổ phiếu quốc gia của FTSE và Ban Cố vấn Chính sách của FTSE Russell, Ban Quản trị Chỉ số của FTSE Russell đã quyết định duy trì Việt Nam trong Danh sách Chờ xét phân hạng trong đợt cập nhật đánh giá giữa kỳ tháng 3/2024.
Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV, nếu Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng, thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3 -1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE Russell; trong đó, các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700 - 800 triệu USD (tương đương với quy mô thị trường chứng khoán Philippines hiện tại)./.