“Cán bộ ra về thì dự án cũng… đi theo cán bộ”
Tại bản Đun 1 và Đun 2 đi đến đâu cũng thấy "đất chết", cây cối, hoa màu khô cằn
Tiền Phong là xã nghèo thuộc huyện biên giới rẻo cao Quế Phong (Nghệ An), núi rừng hiểm trở, được hưởng Chương trình 135 của Chính Phủ. Xã có 4 dân tộc anh em sinh sống gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Thổ tại 22 xóm bản, hơn 2.500 hộ dân, 11.500 nhân khẩu trải rộng trên diện tích hơn 14.000ha. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng lúa nước, nhưng quanh năm hạn hán.
Để góp phần cải thiện đời sống nhân dân, cuối năm 2010, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 2807 về việc phê duyệt dự án đầu tư Hệ thống thủy lợi Nậm Việc tại xã Tiền Phong, có tổng mức đầu tư hơn 147 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Theo thiết kế được phê duyệt, sau khi dự án hệ thống thủy lợi Nậm Việc đưa vào sử dụng sẽ chủ động cung cấp nước tưới cho khoảng 616ha ruộng lúa nước, đồng thời chủ động cấp nước sinh hoạt cho gần 9000 dân, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Sau khi có chủ trương, nhiều hộ dân tại địa phương đã tự nguyện chặt cây cối, di dời tài sản trên đất để bàn giao đất sạch cho dự án.
Tuy nhiên, thay vì cải thiện đời sống nhân dân xã Tiền Phong như mục tiêu ban đầu, sau 8 năm dự án bị “bỏ quên” thì đến nay, người dân địa phương đang đối mặt với cuộc sống thiếu nước trầm trọng, ruộng đồng bỏ hoang.
Một người xóm dân xóm Lâm Quang, xã Tiền Phong chia sẻ: “8 năm trước, cán bộ xã, huyện, chủ đầu tư về họp, đưa ra rất nhiều những ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án khi đưa vào sử dụng như: tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân vùng biên giới; chủ động cấp nước tưới hoa màu, đồng ruộng và phục vụ nước sinh hoạt… Rồi vận động bà con ủng hộ bàn giao mặt bằng, chặt cây, dời cổng để dự án triển khai và đưa vào hoạt động đúng tiến độ…Vậy nhưng, khi cán bộ ra về thì dự án cũng đi theo cán bộ, nhiều năm nay không thấy cán bộ cũng chẳng thấy dự án đâu…”.
Tại bể chứa nước được xây theo Chương trình 135 của Chính phủ, người phải xếp hàng cả buổi mới đến lượt đưa nước về dùng.
Tại bản Phương Tiến 3, cây cối cũng bị khô héo, đổ lá do thiếu nước
Trẻ em, phụ nữ tìm đến khe suối tắm giặt nhưng nước cũng cạn kiệt.
Trao đổi với báo chí, ông Vi Kim Thanh, Trưởng bản Mường Him cho biết: “Suốt 8 năm nay, bà con chúng tôi mòn mỏi chờ dự án. Chờ mãi không thấy, dân hỏi cán bộ xóm, xóm hỏi chính quyền địa phương, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Chưa thấy tỉnh trả lời dự án có triển khai hay không”.
Là người già và có uy tín với con cháu nhất bản Na Diễn, cụ Lô Xuân Hà chia sẻ: “Người Thái thực lòng hơn người Kinh, nói là làm và tin tưởng mới làm. Nghe nói làm dự án đưa nước về để bà con dân bản no cái bụng, ấm cái thân nên dân bản đều đồng tình, ủng hộ, sẵn sàng chặt cây, nhường nương rẫy để cán bộ làm. Nhưng đã mấy năm rồi chưa thấy nước về. Già buồn lắm…”.
Ban ngày guồng nước chỉ cung cấp nhỏ giọt, do dự án Thủy điện Xao-Va ngày đóng, đêm xả nước, khiến người dân thiếu nước trầm trọng.
Dự án tạm thời dừng lại vì… Nghị quyết cắt giảm đầu tư công
Theo ghi nhận của PV, tại bản Đun 1 và Đun 2, đi đến đâu cũng thấy đất chết, cây cối, hoa màu khô cằn. Tại bản Phương Tiến 3, cây cối cũng bị khô héo, đổ lá do thiếu nước. Tại bể chứa nước được xây theo Chương trình 135 của Chính phủ, người phải "xếp hàng" hàng giờ đồng hồ mới đến lượt để lấy nước về dùng trong sinh hoạt.
“Riêng bản Đun 2 có tới 72ha lúa, nhưng bà con chỉ sản xuất được 1 vụ, còn lại để hoang thả trâu bò. Nhiều cánh đồng lúa do thiếu nước năng suất giảm trầm trọng, hạt bị lép chỉ gặt về nuôi gia cầm” ông Bùi Văn Quế, Trưởng bản Đun 2, xã Tiền Phong bộc bạch.
Các khe, suối cũng cạn kiệt nước, người dân xã Tiền Phong sống dọc hai bên suối chỉ biết trông trời đổ mưa.
Ông Nguyễn Đình Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, xã có hơn 600ha đất rừng sản xuất hoa màu, trong đó có 316ha diện tích lúa nước. Cuộc sống của người dân xã rẻo cao biên giới Tiền Phong từ bao đời nay đều dựa vào lúa nước. Nguồn nước chủ yếu sử dụng bằng guồng dẫn nước dẫn từ khe suối về. Để có được một guồng nước thì chi phí làm ra cũng rất tốn kém, không phải hộ nào cũng làm được, và người dân địa phương cũng rất vất vả vì năm nào guồng cũng bị mưa lũ cuốn trôi.
Ban ngày guồng nước chỉ cung cấp nhỏ giọt do dự án Thủy điện Xao-Va ngày đóng, đêm xả nước, khiến người dân thiếu nước trầm trọng.
“Nhiều gia đình phải bán trâu bò mới có tiền làm, những hộ không có điều kiện thì dùng chung một guồng, vào mùa mưa lũ nhà nào không may thì guồng nước bị cuốn trôi hết, xem như mất không con trâu trị giá khoảng 5-6 triệu đồng. Hiện nay người dân địa phương muốn dùng guồng nước để dẫn nước vào ruộng và dùng để sinh hoạt nhưng cũng khan hiếm, do ảnh hưởng nhà máy thủy điện Xao-Va, Quế Phong. Nhà máy này ngày thì họ đóng nước, đêm mở, khi đó người dân muốn dẫn nước về đồng cũng chịu” - ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết thêm.
Cả bản Mường Him đang đối mặt với cuộc sống thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Trao đổi về dự án Hệ thống thủy lợi Nậm Việc 8 năm chưa xong, ông Nguyễn Hòa, Trưởng Ban QLDA Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An viện dẫn: “Dự án hệ thống thủy lợi Nậm Việc được phê duyệt tháng 10/2010, thì ngày 24/2/2011, Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công của Chính phủ ban hành, nên dự án tạm thời dừng lại. Hiện nay ở Trung ương cũng như tỉnh Nghệ An đang ưu tiên cho một số dự án trọng điểm”.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An thông tin thêm, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 7988 về việc bố trí vốn cho công trình thủy lợi Nậm Việc. Nội dung cũng xác định, việc bố trí nguồn vốn để đầu tư công trình hệ thống thủy lợi Nậm Việc là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho đồng bào địa phương như mục tiêu của dự án đã được phê duyệt. “Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện mấy dự án dở dang của tỉnh, trong đó có dự án Hệ thống thủy lợi Nậm Việc xã Tiền Phong”, ông Hiếu cho hay.