Huy động trái phép hơn 263 tỷ đồng
Bà Châu Thị Thu Nga khai trước Tòa rằng hoàn toàn không biết bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn sử dụng tiền làm gì, chỉ biết khi Công ty HAIC có công văn đề nghị chuyển tiền thì chuyển tiền.
Theo tài liệu truy tố, Công ty HAIC thuộc UBND TP. Hà Nội, được Nhà nước giao và cho thuê một số lô đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có khu B5 với diện tích gần 29.000m2 ở thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Khu đất này nằm trong Dự án Xây dựng công trình tái định cư thuộc Lô CT1 và CT5 cho Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Đồng thời cũng nằm trong Dự án Xây dựng nhà tái định cư thuộc Lô HH2 của Dự án Khu đô thị thành phố Giao lưu.
Đến tháng 1/2008, giữa Công ty HAIC và Công ty CP Đầu tư xây dựng nhà đất (sau đổi tên và gọi tắt là Housing Group) ký Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư. Bà Châu Thị Thu Nga, người từng là đại biểu Quốc hội, vừa bị tạm giam điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Dự án B5 Cầu Diễn, là Tổng giám đốc của Housing Group. Hai bên sẽ hợp tác đầu tư xây dựng Khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn. Dự án này thường được gọi tắt là Dự án B5 Cầu Diễn, có diện tích thực hiện hơn 22.000m2, gồm 3 chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn, tổng mức đầu tư 279 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận, Công ty HAIC góp 40% bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và tiền mặt, Công ty Housing Group góp 60% tổng mức đầu tư, giao cho Housing Group lập và thực hiện Dự án và ủy quyền cho Housing Group giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, cho đến nay, Dự án B5 Cầu Diễn vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết. Quá trình thực hiện Dự án, Nguyễn Văn Tuẫn đã có nhiều vi phạm về huy động vốn, vay vốn.
Cụ thể, Nguyễn Văn Tuẫn chỉ đạo Bùi Mạnh Hà, Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế toán, Kế toán trưởng của Công ty HAIC thu hơn 263 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức hợp tác đầu tư với HAIC, bao gồm khoản tiền hơn 34 tỷ đồng từ Housing Group, 226 tỷ đồng từ 246 cá nhân khác… Việc huy động vốn này được quy kết là trái với quy định pháp luật và vượt quá quyền hạn được giao. Theo quy định của Luật Nhà ở 2005 thì chủ đầu tư chỉ được huy động vốn ứng trước khi thiết kế nhà ở đã dược phê duyệt và phần móng đã xây dựng xong.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, Nguyễn Văn Tuẫn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc chỉ được quyền huy động vốn có giá trị không vượt quá giá trị vốn điều lệ hoặc tỷ lệ khác thấp hơn được quy định trong Điều lệ Công ty. Điều lệ Công ty HAIC quy định tỷ lệ này là 30 - 40% tổng giá trị tài sản được ghi trong Báo cáo tài chính gần nhất hoặc có giá trị từ 50 - 100% vốn điều lệ Công ty. (Thực tế, Công ty HAIC chỉ có vốn điều lệ hơn 7,1 tỷ đồng).
Dùng tiền huy động trái phép gửi vào Vietinbank và BIDV
Số tiền thu được, Nguyễn Văn Tuẫn sử dụng đầu tư ra ngoài Công ty HAIC trái quy định như là gửi vào Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Nam Thăng Long và BIDV - Chi nhánh Thăng Long. Sau đó, rút ra chi cho nhiều mục đích khác nhau.
Việc sử dụng vốn này là trái với quy định tại Điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP: Chủ đầu tư phải sử dụng vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng dự án phát triển nhà ở, không được sử dụng vào mục đích hoặc sử dụng cho các dự án nhà ở khác. Hậu quả là Dự án B5 Cầu Diễn chưa được triển khai, số tiền huy động vốn đầu tư ra ngoài Công ty khó có khả năng thu hồi.
Tại Phiên tòa, bị can Châu Thị Thu Nga khai: “Anh Tuẫn (bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn – PV) đề nghị chuyển dần số tiền GPMB hơn 34 tỷ đồng. Khi tiếp cận dự án, tôi cũng biết trên đất có nhà xưởng, nhà máy của các đơn vị thành viên phải di dời. Đến khi anh Tuẫn bị khách hàng đòi tiền mới biết. Bình thường HAIC chỉ gửi công văn đề nghị chuyển tiền để hỗ trợ cho HAIC GPMB thì Housing Group biết vậy”.
Giữ nguyên quan điểm truy tố, đại diện Viện KSND đề nghị mức án 18 - 20 năm tù đối với Nguyễn Văn Tuẫn; 12 - 14 năm tù đối với Bùi Mạnh Hà (nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán)./.