Nhà 32 tầng "mọc" trên khu vui chơi
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, dự án chung cư CT6 được phê duyệt quy hoạch thiết kế gồm 2 tòa CT6A, CT6B và 34 căn liền kề. Nhưng thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng thành 3 tòa CT6A, CT6B, CT6C kèm theo 38 căn biệt thự liền kề nhà thấp tầng.
Chung cư có tổng số 1590 căn (tăng 564 căn so với quy hoạch được phê duyệt); Trong đó, công trình CT6C có 447 căn hộ. Điều đáng nói tất cả những căn hộ không phép này đã được bán cho khách hàng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay.
Một người dân ở tòa CT6C cho biết, tòa này có người ở từ tháng 12/2012. Cho đến nay, đã gần 6 năm trôi qua nhưng nhiều người dân của tòa nhà này dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng nhưng không được đứng tên và luôn sống trong lo lắng.
Được biết, tập thể cư dân CT6C đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng Hà Nội đề nghị sớm cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà tại dự án này.
Tháng 11/2017, UBND TP. Hà Nội đã trả lời kiến nghị của cư dân: “Về những sai phạm tại dự án này, trong quá trình thẩm định hồ sơ pháp lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có báo cáo số 97 ngày 09/07/2014 chuyển Tổ công tác liên ngành Thành phố đề nghị báo cáo UBND Thành phố đề xuất phương án giải quyết cụ thể với những sai lệch trong quá trình triển khai dự án nói trên, đồng thời đề nghị chủ đầu tư liên hệ với các sở, ban, ngành để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc khắc phục những sai phạm tại dự án”.
Riêng với công trình CT6C, UBND TP. Hà Nội cho biết, chủ đầu tư tự ý xây dựng ngoài thiết kế quy hoạch được duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận sau khi có ý kiến của các cơ quan chuyên ngành.
Đại diện Ban quản trị chung cư CT6C cũng cho biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng chủ đầu tư gần như “chây ỳ” trong việc hoàn thiện hồ sơ giấy tờ, thủ tục.
Một cư dân khác cho hay, tòa nhà này thiết kế ban đầu vốn là khu vui chơi nhưng chủ đầu tư xây dựng sai với quy hoạch, thiết kế được kiểm duyệt. Rất có thể, việc xin chuyển đổi giấy tờ ở đây là vô cùng khó khăn. Không biết đến khi nào thì người dân mới có thể xin cấp được sổ đỏ.
PCCC... chỉ để chống chế?
Rất nhiều hộ dân sinh sống tại đây bày tỏ quan điểm, hiện tại hệ thống PCCC của tòa nhà đang được hoàn thiện, chỉ cần xong hệ thống này thì sẽ được cấp sổ đỏ. “Tòa nhà này chưa có sổ đỏ, phải làm hệ thống PCCC xong thì thành phố mới cho làm sổ đỏ. Thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải làm hệ thống PCCC”, bảo vệ tòa nhà CT6C cho hay.
Để tìm hiểu thực hư vấn đề này, nhóm phóng viên đã “đột nhập” tòa nhà và lạ thay, hệ thống PCCC mà chủ đầu đang tiến hành hoàn thiện gần như chỉ để qua mắt lực lượng chức năng. Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, hệ thống báo cháy, chữa cháy có nhưng vừa yếu, vừa thiếu, vừa kém. Điển hình là thiết bị báo cháy gần như được lắp mới nhưng có nhiều tầng đang trong quá trình dang dở.
Phóng viên tận mắt chứng kiến, tầng 01, 02, 03 còn không có khóa van đường ống nước, nhưng tầng 29, 30, 31 lại đầy đủ van khóa (mặc dù vặn van không hề có nước – PV). Không chỉ vậy, tủ đựng thiết bị chữa cháy ở các tầng được khóa bằng nhiều kiểu khác nhau. Từ đạt tiêu chuẩn khóa riêng biệt, buộc dây thép... cho đến khóa cả bằng băng dính.
Ông V.T.N., bảo vệ tòa nhà cho biết: "Thứ nhất là dự án xây sai quy hoạch; Thứ 2 là do PCCC chưa đảm bảo. Nếu mà bị cưỡng chế phá bỏ đi thì chủ đầu tư làm lại PCCC làm gì? Sau khi hoàn thành hệ thống PCCC, chắc chắn 100% được làm sổ đỏ”.
Đồng quan điểm với ông N., chị Diệp Anh, cư dân tòa nhà cho hay: “Sổ đỏ chắc chắn sẽ được làm thôi vì bao nhiêu người như thế này làm sao có chuyện không làm được?! Nghe nói làm xong hệ thống PCCC thì được cấp sổ đỏ vì chủ đầu tư thiết kế thiếu...”.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Cuộc sống của người dân sẽ ra sao khi họ phải sống trong cảnh chưa đủ điều kiện về an toàn nhà ở? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào khi giữa Thủ đô lại để một tòa nhà cao tầng như vậy "mọc" lên không phép?!
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.