Aa

Dự án đường sắt Hà Khẩu- Hải Phòng: Tại sao và tiền ở đâu?

Thứ Sáu, 15/03/2019 - 10:45

Trong khi hơn 58,7 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc- Nam còn chưa biết tính đâu ra, trong khi Sân Bay Long Thành mới bố trí được 5/23.000 tỷ đồng thì Bộ GTVT lại muốn làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khi hệ thống đường bộ cao tốc chỉ mới khai thác hết 40% công suất.

Trong buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) hôm 10.3 có những chi tiết đáng chú ý về dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng:

Dự án là điểm nối hoạt động kinh tế giữa Trung Quốc với Hà Nội và cảng Hải Phòng. Phạm vi nghiên cứu bao gồm việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, nghiên cứu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam), xác định điểm nối ray đường sắt mới giữa Việt Nam - Trung Quốc và kết nối đường sắt khu đầu mối Hà Nội, cảng Hải Phòng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chiều dài toàn tuyến đường sắt này khoảng 392km, đi qua 8 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Cả 2 phương án, một là cải tạo đường hiện có thành đường khổ lồng. Hai là xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn (1.435 mm) thì khả năng tổng mức đầu tư sẽ là một con số vài chục ngàn tỷ đồng.

Nhưng đáng chú ý nhất là việc chúng ta đã nhận khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu Nhân dân tệ để “đối tác Trung Quốc” tiến hành khảo sát lập quy hoạch tuyến từ hồi tháng 4.2016. Và có vẻ, buổi họp hôm 10.3 vừa rồi chỉ là một bước tiến mà thôi.

Đã đành tuyến đường hiện hữu tiêu chuẩn thấp, năng lực thấp với vận tốc vận hành trung bình chỉ 50 km/giờ, tốc độ cục bộ cao nhất là 80 km/giờ, không thể đáp ứng được các nhu cầu ngắn và dài hạn nhưng thật ra từ Lào Cai đi HP đang có 2 tuyến đường bộ cao tốc thuộc loại tốt nhất VN với tốc độ lưu thông lên tới 120km/h.

Và, chẳng hạn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) được xây dựng với công suất thiết kế 70.000 lượt xe/ngày đêm nhưng đến thời điểm hiện tại, lưu lượng khai thác mới đạt 25.000 - 30.000 lượt xe/ngày đêm, chỉ đạt gần 40% công suất.

Tại sao phải gấp gáp với một tuyến đường sắt trong khi đường cao tốc còn chưa đạt 50% công suất là một câu hỏi cần đặt ra.

Tại sao trong hoàn cảnh thiếu vốn nghiêm trọng tại các dự án trọng điểm quốc gia: ĐSCT Bắc Nam 58,7 tỷ USD chưa biết vốn đâu ra, sân bay Long Thành mới chỉ bố trí được 5.000/23.000 tỉ tổng mức đầu tư...thì lại bỏ ra vài chục ngàn tỉ để làm một tuyến mới trong khi tuyến đường sắt hiện hữu vẫn tồn tại?

Và có lẽ, không thể không nhắc tới bài học Cát Linh- Hà Đông, một dự án đang giữ những kỷ lục đội vốn khủng khiếp từ 250 triệu USD ban đầu đã lên tới 891,92 triệu USD. Chậm tiến độ cả chục năm trời. Và tạo ra một “gánh nợ” 650 tỉ đồng mỗi năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top