Aa

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Loay hoay chọn phương án đầu tư

Thứ Bảy, 19/01/2019 - 06:00

Trong tháng 1/2019, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện báo cáo tiền khả thi của Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Chính phủ xem xét. Đây là dự án trọng điểm Quốc gia ý nghĩa đặc biệt của đất nước và hiện còn nhiều vấn đề lớn được đặt ra.

Trong cuộc họp về triển khai nghiên cứu tiền khả thi của dự án mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận xét, công tác chuẩn bị của đơn vị tư vấn trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

“Bổ dọc” hay “cắt ngang”?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị này phải khẩn trương hoàn thiện nghiên cứu về dự án trong thời gian sớm nhất để Bộ báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 1/2019. Người đứng đầu Bộ GTVT chỉ đạo, trong báo cáo trình Chính phủ cần làm rõ hai phương án đầu tư của dự án. Một là phương án đầu tư theo mô hình “cắt ngang”.

Trong đó ưu tiên đầu tư trước hai chặng Vinh - Hà Nội và Nha Trang - TP.HCM như đề xuất của tư vấn. Đây là phương án được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu của tư vấn nước ngoài.

Đường sắt tốc độ cao đã được đưa vào sử dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới.

Đường sắt tốc độ cao đã được đưa vào sử dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới.

Hai là phương án đầu tư “bổ dọc” theo đề xuất của GS. Lã Ngọc Khuê. Theo phương án này, cần đầu tư trước hạ tầng toàn tuyến. Thời gian ban đầu sẽ khai thác trước bằng đầu máy diesel rồi mới từng bước hiện đại hóa đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cả hai phương án trên đều phải được xây dựng căn cứ trên những thống kê, số liệu khách quan, trung thực của các đơn vị nghiên cứu, tổ chức, chuyên gia khoa học để đưa ra kết luận, đề xuất. Nội dung báo cáo phải đầy đủ các dữ liệu, phụ lục để chứng minh, giải trình.

"Điểm đặc biệt của dự án đường sắt tốc độ cao là khi trình Quốc hội chưa phải triển khai ngay, song cần được quyết sách ngay từ khâu chấp thuận chủ trương về công nghệ dự án, vì đây là yếu tố quyết định đến các phần khác của dự án" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Một trong những nội dung quan trọng khác được lãnh đạo Bộ GTVT nhắc tới trong nghiên cứu tiền khả thi của dự án là vấn đề về công nghệ, thời gian, biểu đồ vận hành toàn tuyến, khả năng làm chủ công nghệ. Đi cùng với đó là suất đầu tư “phần cứng” hạ tầng tuyến và suất đầu tư “phần mềm” để vận hành được tuyến đường sắt tốc độ cao.

“Vấn đề làm chủ công nghệ, báo cáo phải chứng minh được Việt Nam có làm được không, làm được những gì, phải nhập khẩu những gì?” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và lưu ý trong báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội phải làm rõ công nghệ nào DN trong nước làm được, làm chủ được, phần nào phải nhập từ nước ngoài và cần cơ chế đấu thầu quốc tế thế nào. “Đây là lần thứ hai nghiên cứu dự án trình Chính phủ, Quốc hội để xin chủ trương đầu tư dư án nên cần sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, khoa học để đảm bảo tính thuyết phục cao nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Cần giảm “gánh nặng” cho ngân sách Nhà nước

Trước đó, báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của liên danh tư vấn edi-Tricc- Tedisouth vẫn còn gây ra nhiều băn khoăn, tranh cãi. Đặc biệt là những lo lắng xung quanh câu chuyện vốn đầu tư cho dự án. Theo báo cáo trên, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó Nhà nước đầu tư hạ tầng, với tổng vốn chiếm 80%; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 20% tổng vốn dự án để mua sắm thiết bị đoàn tàu và khai thác hoàn vốn.

Về vấn đề này, TS. Bùi Xuân Phong - Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng cần tính toán lại bài toán tài chính kinh tế cho phù hợp. Bởi đây là dự án có thời gian thu hồi vốn rất dài, ít nhất phải 30 năm sau mới thu hồi được vốn. Do đó, khả năng kêu gọi đầu tư từ các DN sẽ gặp khó khăn. "DN không thể chờ lâu được mà phải nhìn thấy cái lợi trước mắt mới đầu tư. Do vậy chúng ta cần tính toán kỹ về phân kỳ đầu tư, phải gắn theo kỳ vọng huy động vốn của mình" - TS. Bùi Xuân Phong phân tích.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, ĐH Xây dựng đánh giá, với việc 80% tổng vốn đầu tư của dự án là vốn Nhà nước sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách Quốc gia trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Thêm vào nữa, để huy động đủ số vốn này từ nguồn công quỹ không phải điều dễ làm. Do đó, PGS. TS Nguyễn Đình Thám đề nghị cần tính toán lại tính khả thi của dự án cũng như phương án huy động vốn cho phù hợp. “Trường hợp Quốc hội thông qua dự án, Chính phủ đưa vào hạn ngạch, tức 80% tổng mức đầu tư là vốn Nhà nước thì tôi chắc chắn khi ấy vốn tư nhân sẽ đổ vào rất đông vì lúc đó họ dựa vào Nhà nước để làm dự án” - PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói và nhận định, một trong những xu hướng phổ biến trong đầu tư xây dựng diễn ra ở nước ta lâu nay là hay dựa vào Nhà nước để thu lợi. Chuyên gia xây dựng đặt ra nghi vấn, với hiệu quả đạt được của phần vốn tư nhân theo như tính toán của tư vấn liệu rằng sẽ xảy ra tình trạng “lấy cái lỗ của Nhà nước để bù cho tư nhân được lãi”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top