Dự án điểm, pháp lý chặt chẽ
Dự án này từng được triển khai từ năm 2008 do Liên danh Công ty CP Đại An và Công ty CP Đầu tư xây dựng HUD3 đầu tư nhưng sau đó xin rút với lý do vướng mắc về mặt bằng.
Vì thế, năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương quyết định khởi động lại dự án với tinh thần, phải xây dựng Khu đô thị sinh thái để tạo cảnh quan, môi trường hiện đại chứ không phải là khu đô thị thông thường. Đó là một khu đô thị hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, đầy đủ tiện ích, một khu đô thị đáng sống để dẫn dắt thị trường bất động sản Hải Dương. Tỉnh cũng xác định phải chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự chứ không phải là những đơn vị chỉ phân lô bán nền kiếm lời.
Tại Quyết định số 4185/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh đã quy định: "Nhà đầu tư phải chứng minh có đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá, như: Đã và đang đầu tư ít nhất 1 dự án phát triển đô thị sinh thái quy mô tương đương; bảo đảm các hạng mục công trình công cộng và cây xanh trồng trong khu đô thị; hệ thống xử lý nước thải đồng bộ; chuyển nhượng sau khi xây xong nhà thô; quản lý an ninh trật tự, vệ sinh công cộng...". Với quy định này, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng phân lô bán nền. Chỉ những nhà đầu tư lớn, có năng lực mới đủ phương tiện và tài chính triển khai dự án.
Việc xác định giá đất (tháng 11/2017) cũng tiến hành rất chặt chẽ với nguyên tắc giá đất cụ thể làm cơ sở xác định phương án thu tiền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với giá đất trên thị trường, xác định giá đất từng lô theo phương pháp thặng dư kết hợp với phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp chiết trừ. Theo chứng thư thẩm định giá, giá đất cao nhất hơn 23 triệu đồng/m2, bình quân hơn 11 triệu đồng/m2 chứ không phải 2 triệu đồng/m2 như có thông tin nêu.
"Cò" đấu giá có được MB Land "bật đèn xanh"?
Trước khi đấu giá, có 3 đơn vị đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá và trả giá gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng 1 Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại LD Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn COTANA, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Nam Thành Đông, Công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư thương mại Nam Thanh (gọi tắt là Liên danh) và Tổng công ty MBLand.
Theo thông tin phản ánh, cũng trong ngày 15/3/2018, ông Nguyễn Văn Viễn (xưng là người của Tổng Công ty MBLand - PV), đến nộp hồ sơ tham gia đấu giá, thì bị gây khó khăn. Song theo Clip mà cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương lưu giữ thì vào ngày 15/3/2018, khi ông Nguyễn Văn Viễn (Hà Nội), đến nộp hồ sơ tham gia đấu giá đã xảy ra việc cãi cọ, xô xát có tính chất gây rối, được sự tiếp tay của một số đối tượng lạ mặt. Có đối tượng còn đuối đánh ông Khanh, người tham gia nộp hồ sơ tại cuộc đấu giá.
Ngay sau đó, dù đã nộp được hồ sơ nhưng ông Viễn đã có đơn khiếu nại, tố cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và Công an tỉnh Hải Dương phản ánh sự việc.
Ngày 4/4 vừa qua, tỉnh Hải Dương đã công bố kết quả đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương với giá 805 tỷ đồng. Tổng công ty MB Land dù trả giá 1.100 tỷ đồng nhưng lại không nộp hồ sơ đấu giá và trước đó có đơn xin rút không tham gia đấu giá nên đã bị loại.
Đường dây “cò” có tổ chức?
Lúc này, ông Nguyễn Văn Viễn và một số cá nhân khác bất ngờ có ý kiến phản ánh, kêu cứu gửi cơ quan chức năng, xưng là “doanh nghiệp tham gia đấu giá bị xử ép”. Tham gia hỗ trợ ông Viễn, còn có người tên K., hiện là một công chức đang công tác ở Hải Dương.
Nhóm ông Viễn, K. tung ra thông tin UBND tỉnh đưa ra tiêu chí mang tính chất “cài đặt” nhưng theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương và Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất, việc quy định tiêu chí về kinh nghiệm làm khu đô thị sinh thái, có nhiều cây xanh lớn không sai phạm, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo mục tiêu của dự án. Nguy hiểm hơn, nhóm “cò” trên còn thảo đơn thư kèm theo một số bài báo gửi lên các cơ quan Trung ương để gây sự chú ý.
Theo nguồn tin riêng của Reatimes, được biết Nguyễn Văn Viễn những ngày vừa qua đã thường xuyên đi phát tán thông tin, gửi những tờ báo in đến một số cơ quan đơn vị để gây sức ép.Trong khi chính Viễn khi trao đổi với một nhà báo cho biết “hiện anh không làm gì cả”, cũng không có doanh nghiệp nào.
Song qua điều tra, UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, nhóm người trên không phải là doanh nghiệp mà hầu hết là “cò”. Riêng người đàn ông tên Nguyễn Văn Viễn, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, ông Viễn không có tên trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp của MB Land. Trả lời báo chí, đại diện MB Land còn khẳng định: Ông Nguyễn Văn Viễn không phải là cán bộ của Tổng công ty MB Land. Việc ông Viễn gửi đơn thư lên Thủ tướng Chính phủ là do ông này “đạo diễn”, không phải do MB Land.
Đến đây, có thể thấy hành vi của nhóm ông Viễn chỉ là các đối tượng "cò", gây rối tại dự án, thậm chí tùy tiện phát tán đơn thư khiếu tố không đúng đối tượng, thẩm quyền. Đặc biệt, việc mạo danh là một doanh nghiệp liên quan đến quân đội là hành vi hết sức nguy hiểm, nhất là thời gian gần đây, qua các vụ việc Vũ Nhôm, Út Trọc cho thấy việc lấy danh nghĩa quân đội, công an làm bình phong để trục lợi cần phải được xử lý nghiêm minh.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng này. Riêng đơn vị MB Land cũng cần phải làm rõ trách nhiệm vì sao lại viết giấy giới thiệu có dấu đỏ của MB Land cho Viễn, dù ông này không phải là người của MB Land.
MB Land cũng thiếu trách nhiệm để ông Nguyễn Văn Viễn và các đối tượng gửi đơn thư vượt cấp, không đúng sự thật gây rối dự án và làm mất thời gian của lãnh đạo các cơ quan Trung ương.
Cũng theo nguồn tin của phóng viên Reatimes, phía các đơn vị liên quan tới cuộc đấu giá đang có đơn chuẩn bị gửi Cục Bảo vệ An ninh Quân đội (Bộ Quốc phòng) đề nghị triệu tập, điều tra ông Nguyễn Văn Viễn và một số đối tượng về việc mạo danh doanh nghiệp có yếu tố quân đội, gửi đơn thư tới báo chí và Thủ tướng Chính phủ để trục lợi, gây nhiễu loạn tại dự án và làm ảnh hưởng tới thanh danh của MB Land cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam./.