Aa

Dự án gần 5.000m2 đất quận Thanh Xuân có gì lạ?

Thứ Năm, 05/10/2017 - 07:02

Âm thầm quây tôn, chuẩn bị thi công san lấp mặt bằng nhiều tháng trước, dự án công trình dịch vụ công cộng và nhà ở liền kề tại ô đất 2.2HH (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chỉ gần đây mới dựng biển “công khai danh tính”. Theo đó, chủ đầu tư là Hacinco (liên danh với Newtatco) - một đơn vị gặp tai tiếng về quá trình cổ phần hóa dai dẳng suốt 10 năm nay.

Rào tôn, dựng biển, bán hàng: Siêu tốc!?

Theo quan sát của PV, từ trung tuần tháng 7, khu đất khoảng 4.626m2 (ký hiệu 2.2 HH khu Làng sinh viên Hacinco, phường Nhân Chính) đã được rào tôn và tập kết một số máy móc công trình. Tuy nhiên, suốt từ đó tới đầu tháng 9, dù phía trong lác đác ghi nhận hoạt động công trường nhưng bên ngoài vẫn không hề có bất cứ tấm biển thông báo nào theo quy định.

Cổng chính vào khu đất dự án.

Cổng chính vào khu đất dự án.

Chỉ gần đây, tấm biển dự án mới được dựng lên ở góc mặt đường Nguyễn Tuân (khu đất vuông góc 2 mặt tiền Nguyễn Tuân và Ngụy Như Kon Tum). Theo đó, nhiều thông tin về dự án mới được hé mở.

Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ công cộng và nhà ở liền kề. Chủ đầu tư là liên danh công ty xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO, trực thuộc Tổng công ty HANDICO) và Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới & du lịch (NEWTATCO). Ở công trình này, HACID (một thành viên của HANDICO) giữ vai trò tư vấn giám sát.

Về quy mô, dự án có diện tích xây dựng 2.690m2, diện tích căn hộ lên tới 11.321m2, mật độ xây 58,15%. Tấm biển dự án thể hiện: Ngày khởi công là quý II.2017 và hoàn thành vào quý II.2018. Tuy nhiên, như đã đề cập, tới đầu quý III (trong giai đoạn khởi công), dự án hoàn toàn không có biển báo công trình.

Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau khi được “trưng biển”, dự án đã mau mắn được chấp thuận kinh doanh sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai – theo văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội (đầu tháng 9). Điều này, theo một số nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, là “quá” thần tốc! Tuy nhiên, nếu đối chiếu giữa thực trạng công trường và quy định về điều kiện bán hàng hình thành trong tương lai, dự án đang có dấu hiệu “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Ngổn ngang bên trong công trường.

Ngổn ngang bên trong công trường.

Điều 55 Luật kinh doanh BĐS 2014 quy định, BĐS hình thành trong tương lai được phép đưa vào kinh doanh phải: “có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án”. Điều 56 Luật kinh doanh BĐS 2014 quy định: “Chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng…”

Theo đó, hiện trạng công trình vẫn rất ngổn ngang, chưa có dấu hiệu hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, nguồn môi giới và website chính thống của chủ đầu tư (HACINCO và NEWTATCO) đều không nhắc tới danh tính nhà băng bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trong trường hợp không bàn giao nhà ở theo tiến độ.

Những méo mó cổ phần hóa suốt 10 năm

HACINCO mới đây vẫn chưa thoát khỏi lình xình liên quan đến quá trình cổ phần hóa kéo dài nhiều năm nay. Theo tài liệu có được, quá trình CPH HACINCO ghi nhận nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.

Cụ thể, theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Thông tư 126/2004//TT-BTC, việc tiến hành CPH (kể từ khi xây dựng phương án; tổ chức bán cổ phần; hoàn tất chuyển DN thành Công ty CP) phải hoàn tất trong tối đa 9 tháng. Nhưng, từ khi UBND TP Hà Nội quyết định cho phép HACINCO triển khai CPH (tháng 10.2004), hơn 13 năm sau, quá trình CPH vẫn chưa thể về đích.

Sai phạm trong quá trình CPH HACINCO đã được bóc tách từ 10 năm trước.

Sai phạm trong quá trình CPH HACINCO đã được bóc tách từ 10 năm trước.

Nguồn cơn của sự trì trệ này là một số sai phạm của HACINCO trong quá khứ (chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động…- theo Công văn 4143/UBND-CN năm 2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ). Tình trạng “giữa đường đứt gánh” khi tiến hành CPH, theo đại diện Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, người lao động mua cổ phần tại HACINCO hơn 10 năm nay.

Chưa dừng lại, hơn thập kỷ vừa qua, HACINCO hoạt động trong “lớp vỏ” DN Nhà nước nhưng bản chất lại là Công ty CP.

Tài liệu cho thấy, tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại HACINCO qua các năm 2005, 2010 lần lượt là 9,11%; 9,65%; 49,6% - đều chưa đủ, chưa đạt trên 50% vốn điều lệ theo Luật Doanh nghiệp 2005 và càng không được coi là đã nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ  theo Luật doanh nghiệp 2014. Do đó, cổ phần của DN này từ khi được người lao động, nhà đầu tư mua (năm 2005) đã chiếm gần 90% vốn điều lệ - về bản chất, HACINCO không thể được coi là DNNN, Công văn của Công ty Luật Đông Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ (tháng 1.2017) nêu rõ.

Mặt khác, căn cứ Công văn 5494/UB-TP tháng 11.2006 của TP Hà Nội thì, kể từ thời điểm ban hành Quyết định (năm 2005) phê duyệt giá trị DN và phương án CPH, hoạt động sản xuất kinh doanh tại HACINCO liên tục thua lỗ với số tiền lên tới 7.400 triệu đồng - vượt quá số vốn Nhà nước hiện có tại HACINCO (7.189 triệu đồng). Do vậy, từ 2005, HACINCO đã sử dụng toàn bộ số tiền trên 23 tỷ đồng (bao gồm vốn cổ đông mua theo giá ưu đãi và vốn cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch) của người lao động, nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản của DN tại Kho bạc theo quy định.

Sự không rõ ràng này, theo đại diện Công ty Luật, có thể đã tạo điều kiện để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ từ chối công nhận tư cách cổ đông của người lao động, nhà đầu tư hợp pháp, khiến họ phải long đong, mòn mỏi chờ đợi suốt hơn thập kỷ qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top