Aa

Dự án Khu công nghệ cao Hoà Lạc và câu chuyện tìm “đường bay” sau 20 năm triển khai

Thứ Năm, 21/09/2017 - 06:01

Sau 20 năm triển khai, Khu Công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc dường như vẫn là đứa trẻ “chưa chịu lớn”. Có một thực tế đáng buồn là mặc dù dòng tiền đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, từ các dự án sản xuất tới nghiên cứu và phát triển, đang chảy mạnh vào Việt Nam, nhưng dường như lại “bỏ quên” việc đầu tư vào KCNC Hòa Lạc. Làm thế nào để dự án thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, tháo gỡ những vướng mắc và trưởng thành để tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, luôn là câu hỏi thường trực được Chính phủ quan tâm trong suốt thời gian qua.

20 năm vẫn chưa xong GPMB

Còn nhờ, trong chuyến làm việc với lãnh đạo các bộ ngành, BQL KCNC Hòa Lạc ngày 16/2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví von KCNC Hòa Lạc rằng “20 tuổi vẫn còn bú sữa”. Bởi một dự án trọng điểm như vậy nhưng lại “giải phóng mặt bằng (GPMB) mãi không xong”.

Báo cáo của BQL Dự án này cho biết, tính đến tháng 7/2017, tổng diện tích mặt bằng Dự án đã nhận bàn giao là 1343ha/1586ha, hiện vẫn còn 243ha chưa được GPMB.

Theo Ban quản lý, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thiếu vốn. Song nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ GPMB là do cơ chế, chính sách bồi thường GPMB từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép cũng khiến quá trình bồi thường, GPMB bị chậm lại. Đến thời điểm này, mặt bằng đã giải phóng cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đầu tư của nhà đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật do được triển khai qua nhiều giai đoạn nên thiếu đồng bộ.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từng phản ánh, Viện có 3 công trình đầu tư tại Khu CNC, lớn nhất là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với số vốn 600 triệu USD nhưng không dám đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất do việc cấp điện thiếu ổn định. Viện Hàn lâm mong muốn sớm ổn định hạ tầng bởi có khu công nghệ, nhưng điện không ổn định là cả loạt sản phẩm bị hỏng.

Còn theo đại diện Tập đoàn FPT, hạ tầng phải bảo đảm sinh hoạt, đời sống thì mọi người mới đến, do đó bệnh viện, nhà ở, giao thông cho người làm việc trong khu rất quan trọng và cho biết doanh nghiệp phải dành khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm cho xe buýt vận chuyển người lao động.

Theo ghi nhận của Reatimes, hiện nhiều nơi tại dự án còn ngổn ngang công trường xây dựng, nơi trở thành hoang phế, cỏ mọc um tùm...

Hiện nhiều nơi tại dự án còn ngổn ngang công trường xây dựng, nơi trở thành hoang phế, cỏ mọc um tùm... Ảnh: Nhật Bình.

Một nguyên nhân khác khiến cho việc thu hút đầu tư vào KCNC gặp trở ngại, theo BQL Dự án chính là việc xác định, cơ chế chính sách, ưu đãi trong đầu tư dành cho KCNC những năm qua chưa theo kịp với mục tiêu phát triển, các văn bản pháp lý liên quan còn chồng chéo.

Trong 20 năm qua, BQL mới chỉ thu hút được 81 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358ha, trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 12.000 người đang làm việc và học tập. Nếu đem so sánh với con số dự kiến vào năm 2030 (sẽ có khoảng 229.000 người, trong đó có dân số thường trú khoảng 99.300 người) và với quy mô của một KCNC tầm cỡ quốc gia mới thấy, con số nêu trên khá khiêm tốn.

Chưa kể trong 2 năm qua, dự án hầu như không thu hút được nhà đầu tư nào. Nghe có vẻ mâu thuẫn bởi Việt Nam đang chuyển hướng dần sang thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, trong khi các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao đó lại chọn điểm đến là những khu công nghiệp hoặc nằm ngoài khu công nghiệp thay vì vào nơi đã được quy hoạch và chuẩn bị chào đón sẵn như KCNC Hòa Lạc.

Theo ghi nhận của Reatimes, bên cạnh các khu vực đã đưa vào hoạt động, hiện nhiều nơi tại dự án còn ngổn ngang công trường xây dựng, nơi trở thành hoang phế, cỏ mọc um tùm...

Thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư

Điều đáng mừng cho KCNC Hòa Lạc có lẽ là tinh thần đối mặt với thực tế của BQL khi sốt sắng tìm “đường bay” cho dự án trước thực tế, dự án không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì “thiếu một cơ chế đặc thù”.

Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dự thảo đề xuất với Chính phủ cơ chế đặc thù dành riêng cho KCNC Hòa Lạc. Ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ–CP tháo gỡ nhiều vướng mắc và đề ra nhiều chính sách đặc biệt cho thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính...

Động thái này của Chính phủ đã khuyến khích các các nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư tại KCNC Hòa Lạc. Từ đầu năm tới nay, BQL đã thu hút được 3 dự án đầu tư. Trong đó, có 1 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư dự án trên 9ha với 200 triệu USD và dự kiến đến năm 2021 sẽ mở rộng đầu tư lên 260 triệu USD.

Được biết, ngày 21/9, Công ty này sẽ chính thức khởi công xây dựng Dự án sau 2 tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, hiện BQL đang xúc tiến, đàm phán để thu hút một dự án đầu tư hơn 500 triệu USD của Nhật Bản và một số dự án đầu tư công nghệ cao có quy mô lớn của các doanh nghiệp/tập đoàn trong nước.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH – ĐT) cho rằng, muốn phát triển các KCNC nói riêng và các khu kinh tế nói chung thì việc thu hút đầu tư là cực kì quan trọng.

TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, muốn phát triển các KCNC nói riêng và các khu kinh tế nói chung thì việc thu hút đầu tư là cực kỳ quan trọng. Ảnh: Nhật Bình.

Theo BQL, kế hoạch phát triển KCNC Hòa Lạc chia ra 2 giai đoạn: Giai đoạn từ 1998 đến 2015 là GPMB và xây dựng cơ chế chính sách. Giai đoạn từ 2016 trở đi là thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Để tăng tốc “bù lại” thời gian đã mất và phát triển thành công giai đoạn mới này, BQL KCNC đã và đang gấp rút chuẩn bị “hành trang” cho mình như tiếp tục phối hợp với đối tác triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng; Ban hành trình tự, thủ tục đầu tư vào KCNC Hòa Lạc; Xây dựng lộ trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư cho giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 để đảm bảo thủ tục đơn giản, rõ ràng, minh bạch, hướng tới chuyên nghiệp trong quản lý các dự án đầu tư, đồng thời bám sát chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư với các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng vào các nước có nền tảng KHCN cao để thu hút đầu tư; Tăng cường kết nối với các trường đại học và các đơn vị liên quan để hỗ trợ và triển khai hoạt động khởi nghiệp, ươm tạo, đổi mới sáng tạo, kết nối và chuyển giao công nghệ; Chú trọng kêu gọi đầu tư các hạ tầng xã hội tại đây để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bàn về câu chuyện tìm “đường bay” cho dự án KCNC Hòa Lạc, trao đổi với Reatimes, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH – ĐT) cho rằng, muốn phát triển các KCNC nói riêng và các khu kinh tế nói chung thì việc thu hút đầu tư là cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, phương thức xúc tiến đầu tư của ta hiện nay chưa thực sự đạt hiệu quả.

“Trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam suốt 3 thập kỷ qua, các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư ở Trung ương và địa phương đã ban hành rất nhiều danh mục dự án kêu gọi đầu tư của nước ngoài nhưng thực tế, rất ít các dự án được nhà đầu tư lựa chọn. Thứ chúng ta đang đưa ra “chào hàng” không đáp ứng đúng nhu cầu nhà đầu tư muốn. Công tác nghiên cứu nhu cầu đầu tư, thị trường đầu tư được nhận xét còn yếu và thiếu. Hầu như danh mục được xây dựng dựa trên ý muốn và ý chí chủ quan của chúng ra. Hàng sản xuất ra không đáp ứng mong muốn của thị trường thì không bán được – đây chính hiện tượng đáng bàn trong xúc tiến đầu tư”, TS. Phan Hữu Thắng cho biết.

Cũng theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, điểm yếu nhất trong thời gian qua của chúng ta là nghiên cứu đầu tư quốc tế, chưa xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Tất cả các công việc này đỏi hỏi phải có công tác chuẩn bị và kinh phí đủ để đáp ứng.

Điểm yếu nữa là việc kết nối các cơ quan sau xúc tiến đầu tư qua các khâu thẩm định, cấp phép... chưa chặt chẽ.

Các cán bộ sang làm đại diện xúc tiến đầu tư tại các sứ quán cũng chưa hiệu quả cao, chưa có sự kết nối tốt với trong nước. Ngoài ra, cũng còn sự cạnh tranh giữa các địa phương, vì thế cũng cần có sự liên kết và phối hợp nhịp nhàng hơn nữa.

Nhiều điều kiện đi kèm chúng ta cũng không đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Ví dụ, như Tập đoàn Intel muốn mở rộng thì cần nguồn lực công nghệ cao nhưng chúng ta không đáp ứng được. Hay các yếu tố đặc thù cho sản xuất công nghệ cao như gas, oxi..., đường xá giao thông thuận tiện ra sân bay, thiết chế văn hoá... rất nhiều thứ mà các KCNC còn thiếu. Những điều này không phải các KCNC tự lo được mà cần có sự vào cuộc của Nhà nước, địa phương để hỗ trợ.

TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, trong xu thế phát triển chung, BQL các KCNC cần nhìn vào thực tiễn và các bài học thất bại trong thời gian qua để chấn chỉnh trong giai đoạn mới. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng KCNC mà là chung của các địa phương, bộ, ban, ngành. Nhất là bây giờ, nước ta chú trọng và dành nhiều ưu đãi cho các đặc khu kinh tế, vài trăm khu kinh tế... với rất nhiều ưu đãi thì làm sao để thu hút được KCNC. Vì thế, chính sách và ưu đãi chỉ là một trong các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài xem xét và lựa chọn đầu tư. “Tự thân vận động” là yếu tố quan trọng nhất, các BQL cần xác định để có hướng đi đúng đắn.

“Đặc biệt, chúng ta phải xem lại cách làm xúc tiến đầu tư. Ngoài việc xây dựng danh mục dự án để xác định quy hoạch phát triển đảm bảo, định hướng phát triển thì cái quan trọng là chúng ta đánh giá được xu hướng đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới, yêu cầu giai đoạn mới của phát triển cách mạng 4.0, đặc biệt là với các KCNC.

Ban quan lý các KCNC cần chuẩn bị kĩ càng thông tin, chủ động móc nối, gặp gỡ trực tiếp với các tập đoàn để bày tỏ nguyện vọng và tìm hiểu xem nhà đầu tư mong muốn gì và mình đáp ứng được thế nào. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Thậm chí, có thể làm ngược lại, tìm đến nhà đầu tư rồi mới về xây dựng dự án”, TS. Phan Hữu Thắng Thắng nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top