Aa

Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa: Chủ đầu tư "cầu cứu" Thủ tướng

Thứ Sáu, 31/03/2017 - 14:51

Chủ đầu tư dự án cho rằng, theo Luật xây dựng năm 2014, công tác san lấp mặt bằng, thi công xây dựng công trình đường tạm và hạ tầng kỹ thuật tạm phục vụ thi công công trình chính không phải xin giấy phép xây dựng.

Ngày 30/3, lãnh đạo Công ty CP Biển Tiên Sa (trụ sở tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà nẵng) cho biết đơn vị vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan và TP Đà Nẵng để giải trình những vấn đề liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.

Văn bản này có 6 trang, do ông Đinh Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Biển Tiên Sa ký. Chủ đầu tư cho biết từ tháng 6/2003, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có văn bản thống nhất chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, cho phép công ty đầu tư dự án trên diện tích hơn 20 ha ở phường Thọ Quang. Sau khi có sự thống nhất của Bộ Quốc phòng, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định giao đất cho chủ đầu tư.

Cuối tháng 12/2016, công ty đã nộp gần 67 tỷ đồng (gồm tiền thuế, nghĩa vụ tài chính và tiền gia hạn dự án) cho Cục Thuế Đà Nẵng. Trong văn bản, ông Cường thừa nhận từ khi điều chỉnh quy hoạch, công ty này chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xây dựng.

Vị tổng giám đốc này lý giải, do quy mô dự án có nhiều hạng mục khác nhau nên công ty thực hiện song song các thủ tục pháp lý, triển khai thi công hoàn thiện phần hạ tầng kỹ thuật còn lại theo hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 04/02/2009 (giấy phép cũ - PV).

Đoàn công tác thị sát trên bán đảo Sơn Trà.

Đoàn công tác UBND TP. Đà Nẵng thị sát trên bán đảo Sơn Trà.

Bên cạnh đó, địa hình của dự án phức tạp nên công ty phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo giấy phép xây dựng số cũ và tiến hành thi công một số công trình tạm, như đường vào phục vụ thi công, phát quang để đo vẽ hiện trạng tỷ lệ 1/200, công trình phụ trợ phục vụ cho công tác lấy số liệu khảo sát thiết kế.

Trao đổi trên tờ Dân Việt, ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Thành ủy đã nhận được văn bản của Công ty Biển Tiên Sa và đã chuyển cho Thường trực Thành ủy. Việc xử lý chắc chắn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Về phía UBND TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, UBND thành phố đang tiến hành các bước để thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy: “Khi nào thành phố ra quyết định tháo dỡ 40 móng biệt thự sẽ thông tin cho báo chí. Kết luận của Ban Thường vụ mới ban hành nên cần phải có thời gian thực hiện”.

Ông Trần Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, dù phía Công ty Biển Tiên Sa có nói gì thì chủ trương của các đơn vị liên quan vẫn phải xử lý theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy.

“Họ dựa vào Luật xây dựng 2014 nhưng Thành ủy cũng căn cứ vào nhiều quy định pháp luật khác. Trong đó cần thiết nhất vẫn là phải đảm bảo yếu tố môi trường và an ninh quốc phòng”, ông Dũng cho hay.

Trích dẫn điểm c Khoản 2 Điều 89, Luật Xây Dựng năm 2014, ông Cường cho rằng công tác san lấp mặt bằng, thi công xây dựng công trình đường tạm và hạ tầng kỹ thuật tạm phục vụ thi công công trình chính không phải xin giấy phép xây dựng.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt các hạng mục nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500 m2.

"Theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014, các công trình nhà ở, nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500 m2 thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng phần công trình", văn bản nêu.

“Việc thi công hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và một số công trình tạm như đường vào phục vụ thi công, phát quang để đo vẽ hiện trạng tỷ lệ 1/200, một số công trình phụ trợ để phục vụ cho công tác khảo sát thiết kế… Công ty đang thực hiện theo giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 04/02/2009 và các quy định của Luật xây dựng năm 2014”, ông Cường cho biết.

Trong công văn, chủ đầu tư thừa nhận theo Luật Môi trường, khi điều chỉnh dự án, chủ đầu tư phải thực hiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, đối với dự án này, sau khi điều chỉnh quy hoạch (quy hoạch ban đầu là tổ hợp khách sạn cao 40 tầng, nay giảm xuống còn 2 tầng), chủ đầu tư đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang chờ UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, chứ không phải không có đánh giá tác động môi trường. 

Sau khi viện dẫn ra các lý do, ông Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để công ty tiếp tục triển khai thực hiện dự án. 

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 29/3, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng có thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác quản lý trên lĩnh vực xây dựng, thi công công trình trên địa bàn thành phố.

Riêng đối với dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan; yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công; xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật. 

Một số hình ảnh về hạng mục thi công trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

Một số hình ảnh về hạng mục thi công trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

Trước đó, liên quan đến thực trạng xây dựng không phép trên địa bàn, trao đổi với trên tờ Trí Thức Trẻ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận, không phải gần đây mới xảy ra hiện tượng này mà từ lâu đã xảy ra từ lâu.

"Chủ đầu tư họ chủ quan, nghĩ rằng đất của mình, nộp hồ sơ rồi thế nào người ta cũng phê duyệt, người ta cấp phép theo đúng thủ tục hành chính thôi. Do vậy, họ nộp hồ sơ xong là về mở móng làm ngay.

Đây là tâm lý chủ quan của nhà đầu tư. Tôi ví dụ ở nhà quê mình xây nhà, mình làm hồ sơ thiết kế đầy đủ trình lên Sở Xây dựng thì mình chờ lấy giấy phép thôi nên ở nhà mở móng làm.

Tất nhiên, không phải hồ sơ nào đã nộp người ta cũng cấp phép hết mà có cái người ta sửa lại. Có một số công trình khởi công làm, thậm chí xây dựng lên nhưng vẫn chưa hoàn thiện giấy tờ.

Đây tôi cho rằng họ không phải làm điều gì bậy bạ mà do tâm lý nôn nóng và chủ quan", ông Thơ nói.

Theo Chủ tịch Đà Nẵng, các nhà đầu tư không lường trước được nhiều trúc trắc về thủ tục như quyền sỡ hữu, phê duyệt, thêm bớt tầng cao… khiến việc cấp giấy phép không diễn ra đúng như dự kiến.

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng việc nhiều công trình xây dựng lớn thi công không phép có trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương. Ông Thơ nhận định việc quản lý còn lỏng lẻo.

"Các anh ở quận thường ngại vào kiểm tra ở những công trình lớn vì nghĩ rằng cấp trên đã cấp phép.

Quận phải thường xuyên kiểm tra công trình làm có giấy phép hay không. Chính quyền phải chủ động phát hiện ra chứ không thể để cái gì cũng dân phát hiện", Chủ tịch Đà Nẵng nói.

Theo ông Thơ, cán bộ đến kiểm tra yêu cầu một cách nhẹ nhàng lịch sự thì không nhà thầu nào ngăn cản.

"Mình chỉ làm việc theo nhiệm vụ, theo chỉ đạo cấp trên. Chính quyền địa phương phải đi kiểm tra mới biết được việc họ làm có đầy đủ giấy tờ, có phép xây dựng hay không. Không có ai không cho mình vào kiểm tra hết. Mình vào được hết.

Ngay cả các khu vực quân đội khó khăn như vậy mình cũng phải gửi văn bản lên Bộ Quốc phòng để xin vào kiểm tra", Chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết, các công trình bị phát hiện xây dựng không phép phải bị đình chỉ ngay. Chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục theo đúng pháp luật mới được tiếp tục thi công. Công trình nào xây dựng không đúng thiết kế ban đầu phải đập bỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top