Năm 2014, sự phục hồi của thị trường căn hộ khiến Geleximco quyết định tái khởi động Dự án MeKong Plaza với tên gọi mới Gemek Tower tại Khu đô thị Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức).
Khởi công đúng thời điểm thị trường căn hộ Hà Nội khởi sắc, lại được hỗ trợ vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, sản phẩm Dự án Gemek Tower được nhiều khách hàng đặt mua và nhanh chóng bán hết hàng. Sau khoảng 2 năm triển khai, Gemek Tower hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Sau thành công tại Dự án Gemek Tower, Geleximco tiếp tục triển khai dự án mới cùng phân khúc, cùng nằm trong khu đô thị là tòa tháp Gemek Premium.
Mặc dù có vị trí được đánh giá tốt hơn Gemek Tower, nhưng Gemek Premium thiếu sự may mắn, vì thời điểm dự án mở bán cũng là thời điểm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng bị tạm ngừng giải ngân. Tuy nhiên, chủ đầu tư Dự án Gemek Premium vẫn tự tin sẽ bán được hàng, vì “Dự án Gemek Premium có giá bình dân và hướng đến số đông đối tượng có nhu cầu mua nhà hiện nay”.
Tuy nhiên, các dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội chịu tác động rất lớn từ chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng hỗ trợ. Thực tế, thời gian qua, khi gói 30.000 tỷ đồng bị tạm ngừng giải ngân và dừng ký vay mới, tốc độ bán hàng tại nhiều dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội đã bị chững lại, trong đó có cả Dự án Gemek Premium. Thậm chí, doanh nghiệp chuyên đầu tư dự án nhà ở xã hội tại phía Nam là Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng phải giãn tiến độ triển khai các dự án của mình.
Để thúc đẩy tốc độ bán hàng, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở giá rẻ đã phải bắt tay với ngân hàng để triển khai gói hỗ trợ tín dụng. Đơn cử, chủ đầu tư Dự án Gemek Premium đã liên kết với ngân hàng để đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 0%/năm đến khi nhận nhà. Nhờ chương trình này, thanh khoản sản phẩm tại dự án đã có sức hút trở lại với khách hàng.
Cũng giống Dự án Gemek Premium, hàng loạt chung cư bình dân trong cùng khu vực như The Golden An Khánh, Thăng Long Victory, để bán được hàng, doanh nghiệp cũng phải bắt tay ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ vay vốn 0% hỗ trợ người mua nhà.
Câu chuyện bán nhà tại dự án Gemek Premium, The Golden An Khánh và Thăng Long Victory cho thấy nhà ở thuộc phân khúc bình dân, dù nhu cầu lớn, nhưng vẫn gặp rủi ro một khi những chính sách hỗ trợ có sự thay đổi, đặc biệt là với các chủ đầu tư mới.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc phụ trách kinh doanh Dự án Tứ Hiệp Plaza (Thanh Trì, Hà Nội) thừa nhận, tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô, Dự án Tứ Hiệp Plaza là dự án duy nhất chuẩn bị mở bán có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành phần móng bằng vốn tự có, nhưng vẫn chưa dám mở bán, vì lo ngại những rủi ro.
Theo ông Quỳnh, chủ đầu tư Dự án Tứ Hiệp Plaza là một doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường bất động sản và chưa có tên tuổi để khách hàng đặt niềm tin. Việc dự án đủ điều kiện mở bán đúng vào thời điểm tháng Ngâu và gói 30.000 tỷ đồng ngừng ký cho vay mới khiến dự án có thể gặp nhiều khó khăn khi mở bán.
Để hạn chế những rủi ro trên cho dự án, cũng như người mua nhà, ông Quỳnh cho biết, chủ đầu tư đã ký bảo lãnh dự án với Ngân hàng Vietinbank, phải lùi thời gian bán nhà đến hết tháng Ngâu (sang tháng 9 Dương lịch), đồng thời bắt tay với ngân hàng hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho khách mua nhà.
Cũng theo ông Quỳnh, với hầu hết dự án nhà thương mại giá mềm hiện nay, việc bán hàng không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, bởi các dự án đã định vị thuộc phân khúc giá rẻ, thường có vị trí không mấy thuận lợi so với dự án cao cấp. Đối tượng mua nhà giá rẻ dù lớn, nhưng đa số vẫn trông chờ vào những gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn, bởi đây đều là những người có thu nhập thấp và trung bình, có lượng vốn tiết kiệm không cao.
Vì thế, khi chính sách hỗ trợ không ổn định, các dự án thuộc phân khúc này sẽ rất khó khăn trong bán hàng. Việc phát triển dự án nhà bình dân cho số đông khách hàng vì thế, vẫn như một “canh bạc” với doanh nghiệp địa ốc./.