Aa

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có chuyển động mới

Thứ Bảy, 08/02/2025 - 14:08

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội, Bộ Công Thương đã trình xin chủ trương và cơ chế cần thiết nhằm triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại Thông báo số 35 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân có đề cập đến việc Bộ Công Thương đã trình xin chủ trương và cơ chế cần thiết để triển khai ngay dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo như thông báo nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho việc phát triển xanh, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong tình hình mới cũng như đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới... Trung ương Đảng, Quốc hội chỉ đạo tiếp tục triển khai chủ trương tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Với mục tiêu phấn đấu sẽ hoàn thành nhà máy điện hạt nhân trong vòng 5 năm, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu triển khai ngay một số công việc.

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, triển khai nhanh nhất đối với các vấn đề như giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định đời sống của người dân, các cơ chế về tài chính, thu xếp vốn... nhằm triển khai thực hiện dự án.

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có chuyển động mới- Ảnh 1.

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam được đánh giá là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia. Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành địa phương gửi Bộ Công Thương trước ngày 15/2, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5).

Liên quan đến việc hoàn thiện quy định pháp luật, Thủ tướng đã giao Bộ KH&CN tập trung bố trí nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội khóa XV xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình của một kỳ họp.

Nội dung sửa đổi cần đảm bảo sao cho phù hợp với tình hình mới.

Đối với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo, bổ sung các thành viên là đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, cơ quan liên quan khác, Chủ tịch và Tổng Giám đốc các tập đoàn: Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Về việc thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương đã được giao khẩn trương thành lập Tổ giúp việc để hỗ trợ Ban Chỉ đạo trong công tác theo dõi, đôn đốc tiến độ, cũng như tổ chức các cuộc họp theo yêu cầu và nhiệm vụ được giao.

Tổ giúp việc này sẽ được Bộ Công Thương bảo đảm về cơ sở vật chất và do một đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách. Thành viên của tổ bao gồm các chuyên gia về điện hạt nhân, hoạt động với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp và tinh gọn.

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có chuyển động mới- Ảnh 2.

Thủ tướng đã đặt mục tiêu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030. Ảnh minh họa

Về triển khai các dự án điện hạt nhân, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để báo cáo cấp thẩm quyền. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ chịu trách nhiệm đầu tư dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được giao thực hiện dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Thủ tướng đã đặt mục tiêu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030, chậm nhất là ngày 31/12/2031, nhằm chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 85 năm thành lập nước.

EVN và Petrovietnam được yêu cầu chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đàm phán với các đối tác sở hữu công nghệ nguồn tiên tiến như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp... Ưu tiên sẽ dành cho các đối tác truyền thống, nhưng vẫn phải bảo đảm khả năng dự phòng trong mọi tình huống. Trên cơ sở kết quả đàm phán, các đơn vị sẽ xem xét, cập nhật quy mô công suất, tổng mức đầu tư... phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, lãnh đạo Chính phủ giao EVN khẩn trương rà soát, huy động lại các nhân lực đã được đào tạo và các nguồn nhân lực có ngành nghề tương tự để có phương án sử dụng hiệu quả, tối ưu nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, cơ quan và địa phương tiến hành rà soát trên cơ sở các nhiệm vụ đã được giao, đề xuất gửi Bộ Công Thương tổng hợp trước ngày 15/2.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài Chính, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho phép nghiên cứu, xem xét sử dụng nguồn vốn dự phòng năm 2025 hiệu quả để triển khai.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Ninh Thuận cần khẩn trương triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, di dân và tái định cư cho cả 2 nhà máy điện hạt nhân nhằm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho dự án vào năm 2025 cho chủ đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng sân bay Ninh Thuận, hoàn thành các thủ tục trong năm 2025 theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí, cấp đủ vốn để UBND tỉnh Ninh Thuận hoàn thành việc di dời và ổn định nơi ở, sinh kế cho người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ trên tinh thần vì lợi ích chung, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Về việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện và bổ sung dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm các đường dây đấu nối đồng bộ và các dự án điện hạt nhân dự kiến khác, vào Quy hoạch điện VIII.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng quy hoạch điều chỉnh cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia, công bằng, tiến bộ xã hội, đồng thời cân đối giữa các địa phương và vùng miền. Tuy nhiên, cần ưu tiên bố trí các công trình năng lượng trọng điểm tại những khu vực có điều kiện khó khăn.

Trong trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan phải báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Các vấn đề vượt thẩm quyền cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoàn thành trước ngày 28/2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT nhanh chóng thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Đồng thời, Bộ TN&MT được giao trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án và hoàn thành trong tháng 2.

Về hạ tầng điện hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ này cũng được giao xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của IAEA.

Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan truyền thông như VTV, VOV, TTXVN, cùng EVN, Petrovietnam và UBND tỉnh Ninh Thuận. Các đơn vị này cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi và bảo đảm an toàn của dự án để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận và sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch theo đúng tiến độ đầu tư.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có hai tổ máy. Cụ thể: Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trên thực tế, Việt Nam đã từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, dự án này đã dừng theo Quyết định năm 2016 của Quốc hội.

Năm 2022, Ủy ban Kinh tế Trung ương đã từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top