Dự án chưa có giấy phép xây dựng.
Ngày 12/06/2020, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình có công văn số 1759/SXD-QLN&TTBĐS gửi UBND huyện Lương Sơn, UBND xã Hòa Sơn về dự án nhà ở tại xã Hòa Sơn (Tân Hoà Garden).
Theo công văn: “UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 265/QĐ-UBND ngày 31/01/2019. Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án: Dự án khu nhà ở tại xã Hòa Sơn (Tân Hòa Gaden), huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 654/UBND-NNTN ngày 02/05/2019; Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 25/03/2020”.
Được biết, ngày 18/05/2020, tại Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư Liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thiên Phúc, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng đã thống nhất ký hợp đồng số 06/2020/HĐ-ĐTDA thực hiện đầu tư dự án Khu nhà ở tại xã Hòa Sơn (Tân Hòa Gaden), huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Thế nhưng, văn bản Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết, về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, cấp Giấy phép xây dựng và các nội dung khác có liên quan của dự án chưa hề được cấp có thẩm quyền thẩm định và cấp phép. Đồng thời, dự án này còn chưa có văn bản của Sở Xây dựng cho phép đủ điều kiện được bán, cho thuê mua cũng như văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.
Một câu hỏi được đặt ra, cái giá mà chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên danh kêu gọi vốn đầu tư đưa ra cho khách hàng đã được cơ quan có thẩm quyền biết hay không? Phải chăng đây là một hình thức tiền trảm hậu tấu?
Chính vì lẽ đó, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng đã ra văn bản đề nghị UBND huyện Lương Sơn thực hiện niêm yết công khai thông tin liên quan đến dự án này.
The Spring Town có thách thức pháp quyền?
Theo tìm hiểu của nhóm PV Reatimes, UBND huyện Lương Sơn đã từng có Quyết định số 990/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Dự án The Spring Town vào ngày 10/06/2019, kèm theo yêu cầu khắc phục hậu quả trong 60 ngày. Cụ thể: Đơn vị này có nghĩa vụ và trách nhiệm làm mọi thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu như “hết thời hạn này, Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc không xuất trình với người ra Quyết định xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình”.
Tại Điểm C Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao đã hơn 1 năm trôi qua sau khi bị xử phạt, dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và cấp phép xây dựng, công trình Dự án The Spring Town vẫn ngang nhiên tồn tại như một sự thách thức với pháp quyền. Liệu đây có được xem là sự buông lỏng trong quản lý của các đơn vị liên quan sở tại?
Nếu cứ tiếp tục có hàng loạt dự án xây dựng mà không cần cấp phép như Dự án The Spring Town thì bài toán về vấn đề môi trường, tài nguyên đất, "băm nát quy hoạch"... sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần nhìn nhận rõ vấn đề này, sớm có chế tài xử lý triệt để, tránh để tình trạng sai phạm không đáng có xảy ra trong quy hoạch, xây dựng.
Thực hiện dự án trước khi lựa chọn nhà đầu tư?
Một vấn đề đáng băn khoăn nữa là trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 28/10/2019, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình phát đi thông báo mời các nhà đầu tư tham gia đấu thầu Dự án Khu nhà ở tại xã Hòa Sơn (Tân Hòa Garden), huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hồ sơ mời thầu bắt đầu được phát hành từ ngày 28/10/2019 và kéo dài đến ngày 30/12/2019.
Dự án nhà ở tại xã Hòa Sơn (Tân Hoà Garden) được triển khai tại thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích sử dụng đất là 6,12ha. Tổng chi phí thực hiện dự án là 115,741 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến là 24 tháng kể từ ngày hơp đồng có hiệu lực.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một khu nhà ở đồng bộ, hiện đại, tận dụng ưu thế của cảnh quan khu vực, phù hợp với quy hoạch chung huyện Lương Sơn, đáp ứng nhu cầu về nghỉ ngơi và sinh hoạt cho cư dân địa phương và các vùng kế cận.
Từ những thông tin trên cho thấy việc Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư Thương mại Thiên Phúc đã thực hiện xây dựng dự án này từ trước khi tổ chức đấu thầu và bị xử phạt trước đó 2 tháng. Phải chăng Công ty Thiên Phúc đã biết trước dự án này chắc chắn sẽ về tay mình?
Và dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có hay không sự minh bạch trong việc mời các nhà đầu tư tham gia đấu thầu Dự án Khu nhà ở tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình)?
Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào thực hiện các hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép sẽ bị xử phạt từ cải tạo không giam giữ cho đến 20 năm tù giam tùy mức độ hành vi.