Sau cuộc điều tra khảo sát Triển vọng đầu tư BĐS tại các thành phố trên thế giới tuần vừa qua, hai "ông lớn" trong lĩnh vực nghiên cứu và đánh giá thị trường là Urban Land Institute (ULI – Viện nghiên cứu Đất đai đô thị) và PricewaterhouseCoopers (PwC – Một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) đã đưa ra một báo cáo thường niên có tên Xu hướng mới nổi tại thị trường BĐS khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngay sau khi báo cáo này được công bố, rất nhiều người đã tỏ ra ngỡ ngàng vì vị trí xếp hạng năm ngoái đã bị đảo ngược, kẻ dẫn đầu thì xuống hạng, người xếp cuối lại vươn lên.
Ví dụ điển hình là Tokyo, Sydney và Melbourne. Năm ngoái, 3 thành phố được báo cáo này vinh danh là những thành phố tốt nhất để đầu tư nhà đất. Tuy nhiên năm nay, Bangalore (Ấn Độ), thành phố chỉ xếp thứ 12 năm ngoái đã vượt lên, trở thành “đàn anh đàn chị” đứng đầu trong top 5 cùng 4 thành phố khác, trong đó có 2 thành phố Đông Nam Á, lần lượt theo thứ tự là Mumbai (Ấn Độ), Manila (Phillippine), TP HCM (Việt Nam) và Thâm Quyến (Trung Quốc).
Dưới đây là những đánh giá của ULI và PWC trong việc lựa chọn 5 thành phố nêu trên là những thị trường BĐS mạnh nhất trong năm 2017.
1. Bangalore, Ấn Độ
Năm nay Ấn Độ có đến hai đại diện có mặt trong danh sách này và đều chiếm giữ vị trí top trên. Trong đó phải kể đến đầu tiên là thành phố Bangalore, thành phố được các chuyên gia nhận định năm 2017 sẽ là một năm quan trọng đối với thị trường BĐS tại đây.
Bangalore được ví là thỏi nam châm thu hút mạnh mẽ các hoạt động Thuê ngoài quy trình kinh doanh (Business process outsourcing – BPO), các ngành công nghiệp công nghệ thông tin và các hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành kinh doanh này đang đạt tốc độ chưa từng thấy ở những năm gần đây và sẽ còn tiếp tục có những bước tăng trưởng hơn nữa. Điều này, tất yếu, đã thúc đẩy lượng nhu cầu về thuê mua không gian văn phòng và kinh doanh, vốn đã cao, nay còn cao hơn nữa.
2. Mumbai, Ấn Độ.
Thủ đô Mumbai là đại diện thứ 2 của quốc gia Phật giáo góp mặt trong danh sách do ULI và PwC đưa ra.
Nếu nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ về việc BĐS tại đây sẽ không thể tăng giá trong tương lai thì báo cáo của ULI và PwC đã khẳng định việc tăng giá là hoàn toàn có thể xảy ra dựa trên những tín hiệu tích cực của thị trường vô cùng tiềm năng xứ sở Phật giáo. Thành phố siêu đô thị này đang cho thấy những biểu hiện rất tốt trên phân khúc thuê mua văn phòng.
Bên cạnh đó, nhu cầu về các sản phẩm BĐS cao cấp cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông vận tải, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 sẽ tạo ra một sự liên kết chặt chẽ giữa nội thành với các khu vực lân cận xung quanh.
3. Manila, Phillippine.
Giống với Bangalore, Manila, thủ đô của Phillippine, đang cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của các hoạt động BPO, điều này đã khiến cho giá trị của khu vực thuê mua văn phòng có bước tăng trưởng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, dòng kiều hối của lao động Phillippine tại nước ngoài, đặc biệt là các lao động đang làm việc ở khu vực Trung Đông, chảy về ngày một mạnh đã tiếp thêm đà tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nước này nói chung và ngành công nghiệp BĐS nói riêng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Manila đang tiến đến “điểm rất nóng trong chu kỳ của thị trường BĐS tại đây”, nóng không phải theo nghĩa là bong bóng BĐS sẽ xuất hiện mà là bởi nguyên nhân, các nhà phát triển và xây dựng đang phải đối mặt với vấn đề tìm kiếm nguồn cung đất đai xây dựng tại các thành phố đông dân.
4. Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
TP.HCM, được các chuyên gia đánh giá là “đang trong tầm ngắm radar của các nhà đầu tư lớn trong khu vực, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài”. Việt Nam nói chung và đô thị lớn nhất của quốc gia này đang được hưởng lợi rất nhiều từ các dòng vốn chảy vào từ Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản.
Tuy rằng đang có một mối lo ngại của thị trường về việc dư thừa nguồn cung nhưng sức mua của thị trường này vẫn đang trong chiều hướng tích cực.
Ngoài ra, phân khúc BĐS cao cấp và văn phòng tại TP.HCM có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Theo khảo sát, giá thuê các không gian văn phòng tại đây hiện nay còn cao hơn cả Thái Lan.
5. Thâm Quyến, Trung Quốc.
Thị trường nhà ở tại Thâm Quyến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng vọt hơn 40% chỉ trong 3 quý đầu năm 2016.
Bên cạnh đó, phân khúc văn phòng của thị trường này cũng phát triển khá mạnh. Tính từ năm 2009 đến nay, giá trị của thị trường cho thuê văn phòng “béo bở” tại Thâm Quyến đã tăng gấp đôi.