“Trước đây, việc chặt bỏ hàng trăm cây xanh trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân là rất vô lý, khiến người dân bức xúc. Nhưng ở dự án này, đường Kim Mã nằm trong vùng “tim” của dự án đường sắt đô thị nên đương nhiên phải di chuyển đi nơi khác. Việc điều chuyển hơn 100 cây xanh về vị trí mới là việc phải làm. Chúng ta muốn phát triển đô thị, đôi lúc chúng ta phải “hy sinh” cây xanh, chuyện đó là không thể tránh khỏi” – ông Lê Huy Cường cho biết.
Là một chuyên gia lâm nghiệp lâu năm, người đã từng hơn 20 năm “đồng hành” cùng công ty công viên cây xanh Hà Nội, rong ruổi đi hàng nghìn cây số quanh Thủ đô để khảo sát cây xanh, mỗi hàng cây đều là một góc kỉ niệm với ông. Hàng cây trên đường Kim Mã có tuổi đời hơn 60 năm, ông Lê Huy Cường đã chứng kiến sự đâm chồi vươn dậy của nó từ những ngày ông còn nhỏ, khi còn là cậu bé mới 13-14 tuổi. Hàng cây chính là điểm nhấn khiến Kim Mã trở thành một trong những tuyến phố được mệnh danh đẹp nhất Hà Nội.
“Theo năm tháng, rễ cây đã thực sự phát triển hoàn thiện, trưởng thành, ăn sâu vào đất. Vì thế, dù được chăm sóc, trồng lại ở chỗ mới, cây xanh lâu năm vẫn chỉ sống oặt ẹo mà thôi. Cây xanh cũng giống như con người, khi bị chặt đi rễ cọc, rễ chùm… thì mất sức sống. Dù chúng ta dùng công nghệ hiện đại đến mấy thì cây vẫn khó “hồi” lại như cũ. Rễ cọc sâu như thế, rễ ngang khỏe như thế, giờ bị chặt cụt để bứng gốc cây đi thì làm sao phát triển được như cũ?! Không có chuyện cây xanh lại phát triển rễ to như ngày xưa vì tuổi đời của cây đã hơn 60 năm, bắt một ông già phục hồi như thanh niên sao được?.” – ông Cường khẳng định.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 106 cây xanh lâu năm từ đền Voi Phục đến trước số nhà 575 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) bị điều chuyển có rất nhiều chủng loại như: xà cừ, sữa, muồng, bằng lăng… Theo ông Lê Huy Cường, tùy vào đặc tính của từng loại cây để đưa ra các giải pháp khác nhau. Con người không thể “bắt” tất cả các loài cây phải ra lá, mọc rễ, tái sinh… như nhau, có nhiều loài cây khả năng tái sinh thấp, khả năng phục hồi rất khó. Nên chăng, những cây nào đường kính dưới 30cm thì giữ lại chăm sóc, còn những cây cổ thụ to hơn, thay vì bỏ ra số tiền tốn kém để điều chuyển, thì nên bán gỗ lấy tiền, chi cho việc tái tạo một hàng cây mới, ở một khu vực mới… sẽ hợp lý hơn./.