Vẫn còn chi phí không chính thức
Chia sẻ một câu chuyện thực tế tại buổi công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) giữa tuần này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, trong một hoạt động do Văn phòng Chính phủ giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính triển khai tại tỉnh Bình Định về thúc đẩy kết nối dịch vụ công quốc gia, bà được biết, Cục Thuế tỉnh Bình Định là đơn vị duy nhất trong cả nước không tiến hành thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo hình thức hậu kiểm trong năm 2020. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, với cách thức là Cục Thuế chủ động tiến hành những cảnh báo sớm, đưa ra cảnh báo rủi ro, thay vì đợi doanh nghiệp mắc lỗi thì phạt.
Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ.
“Nhờ đó, năm 2020, truy thu thuế của Bình Định tăng 32,6%, xử phạt vi phạm hành chính giảm 20%. Đây là điều cộng đồng doanh nghiệp thực sự mong chờ”, bà Thủy nói.
Thuế cũng là ngành có sự cải thiện tốt nhất về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong năm qua, theo kết quả của nhóm nghiên cứu APCI 2020.
Cụ thể, Báo cáo APCI 2020 cho thấy mức độ cải thiện chung của lĩnh vực thuế được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện này là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được liên tục duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.
Theo khảo sát APCI 2020, để thực hiện các thủ tục hành chính trong nhóm thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11.600 đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5%, với chi phí trung bình 500.000 đồng/thủ tục hành chính.
Tổng cục Thuế cho biết, tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, thuế và kiểm tra chuyên ngành là nhóm có điểm số cải thiện tốt. Trong khi đó, đất đai, đầu tư, xây dựng, giao dịch thương mại qua biên giới là nhóm có điểm APCI 2020 tốt so với các nhóm khác, nhưng lại giảm điểm so với chính mình khi so sánh với năm trước. Đáng lưu ý, chi phí không chính thức “có mặt” ở tất cả thủ tục hành chính được khảo sát.
Dư địa cải cách còn lớn
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.
“Dư địa cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thy Nga, Chủ nhiệm Nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) cho biết, bản thân các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
Theo bà Nga, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nhưng từ năm 2019 đến nay, nhiều đơn vị muốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo vẫn tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại khi làm thủ tục thành lập.
Trả lời vấn đề này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị gửi phản ánh kiến nghị qua cổng dịch vụ công quốc gia. “Chúng tôi sẽ chuyển cho các bộ có trách nhiệm tháo gỡ ngay”, ông Phan hứa.
Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo APCI 2020, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc, mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Đưa ra khuyến nghị cải cách, ông Nguyễn Hưng Quang cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ba là, đổi mới phương thức công bố, công khai thủ tục hành chính.
Bốn là, nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công.
Năm là, nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Hải Phan bổ sung, khi chuyển sang môi trường điện tử, không có sự tiếp xúc cũng sẽ giúp loại trừ được những chi phí không chính thức.