Đông chắc gì đã vui?
Một báo cáo được Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam đang ở giai đoạn bùng nổ cả về số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần trong một thập kỷ, từ 4,2 triệu (năm 2008) lên đến 15,5 triệu (năm 2018).
Du lịch trong nước của Việt Nam cũng tăng, với lượng khách còn cao hơn cả khách quốc tế, từ 20,5 triệu (năm 2008) lên 80 triệu (năm 2018), nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Đây cũng là giới thích đi du lịch và có khả năng chi trả tốt hơn để đi lại bằng đường hàng không trong điều kiện vé máy bay giá rẻ trong nước tăng mạnh.
Cũng trong 5 năm và 10 năm qua, tăng trưởng về lượt khách quốc tế vào Việt Nam liên tục cao hơn so với đối thủ cạnh tranh và các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á. Việt Nam đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị phần, không chỉ tính trên tổng lượt du khách đến với các quốc gia đang phát triển Đông Nam Á, mà cả trên tổng lượng du khách đến toàn bộ khu vực Đông Á, bao gồm cả các thị trường du lịch lớn hơn và phát triển hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ khách quốc tế lựa chọn đến với TP.HCM giảm nhẹ trong 5 năm qua, Hà Nội đang trở thành điểm đến ngày càng quen thuộc (một phần vì đó là cửa ngõ vào Việt Nam). Trong khi đó, các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ninh, Huế, Kiên Giang, Đà Lạt… vẫn là những điểm đến có nhiều sức hút.
Mặc dù chưa có tiêu chí hoặc chỉ tiêu chính xác về phân khúc “thị trường khách đại chúng” ở Việt Nam, nhưng du khách tiếp tục có xu hướng lựa chọn những điểm đến đã định hình là nơi phù hợp cho hầu hết các gói du lịch, có yếu tố đô thị chi phối, và thường có các hình thức lưu trú đa dạng và mức giá phù hợp với nhiều tầng lớp du khách. Điều đó cho thấy phần lớn tăng trưởng về lượt khách vào Việt Nam gần đây có bản chất là thị trường khách đại chúng.
Năm 2018 có gần 7,5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số này là hơn 4,3 triệu lượt. Với tốc độ này, năm 2020, Đà Nẵng có khả năng đón từ 9 - 9,5 triệu lượt khách.
Du khách đến càng đông, các tuyến đường nội thành, ven biển càng kẹt xe, nhất là những giờ cao điểm khi du khách xuống tắm biển xung đột nặng nề với lượng ôtô đông đúc. Những khu vực tập trung nhiều khách sạn, resort như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vào cao điểm du lịch hè đã xảy ra tình trạng thiếu nước, nước yếu. Hệ thống khách sạn đang tăng trưởng cực nóng khi cung vượt cầu.
Ở một hòn đảo khác là Phú Quốc, Kiên Giang, du khách cũng lũ lượt tìm đến, khiến cho ngành du lịch lúng túng. Có khoảng 6.000 phòng của các cơ sở lưu trú ở Phú Quốc, nhưng chỉ có khoảng 4.000 nhân lực làm du lịch ở hòn đảo này, trong khi tiêu chuẩn mỗi phòng cần có 1,8 nhân sự.
Môi trường cũng là một vấn đề đáng báo động. Mãi tới gần đây, đảo Phú Quốc mới có nhà máy thu gom xử lý rác thải đáp ứng khoảng 90% lượng rác thải ra hằng ngày. Còn nước thải thì chỉ có các resort, khách sạn ven biển là có hệ thống xử lý, còn lại đều xả thẳng ra biển. Cơn sốt đất cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Dù vậy, 6 tháng đầu năm 2019, Kiên Giang đón gần 4,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Sa Pa, Lào Cai, tuy số lượt khách tăng nhanh nhưng tỷ lệ lợi nhuận lại giảm do mức chi tiêu trung bình giảm xuống, càng khiến áp lực quá tải tăng lên.
Hệ luỵ đã thấy rõ
Những con số WB công bố cho thấy ngành du lịch Việt Nam không thể mãi say sưa với những con số tăng trưởng mà phải nghiêm túc nhìn lại những được - mất và nghĩ tới những thay đổi trước khi phải “trả giá đắt”.
WB cho rằng, mật độ du khách tăng trưởng mạnh sẽ dẫn đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM. Mặc dù tầm quan trọng của quy hoạch dựa trên nhu cầu về các điểm đến du lịch được tính đến, tuân thủ quy hoạch thường vẫn có vấn đề, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu và tính bền vững trong phát triển du lịch. Theo đó, nhiều quy hoạch chưa được tuân thủ hoặc chỉnh sửa trong quá trình triển khai, thường do lợi ích riêng của doanh nghiệp chứ không phải căn cứ vào các chỉ tiêu. Điều này đôi khi tạo điều kiện cho những dự án đầu tư đe dọa đến tính bền vững của phát triển du lịch.
Minh chứng rõ nhất là tình trạng ngập lụt nặng tại hai thành phố du lịch Đà Lạt, Phú Quốc trong vài ngày vừa qua. Đây cũng là lời cảnh báo việc xem lại cách phát triển thiếu bền vững về hạ tầng, bộc lộ rõ những thiếu sót trong quy hoạch khi không lường trước được những biến đổi của khí hậu, thiên tai, không đón lõng được xu hướng phát triển, có tầm nhìn xa về quy hoạch hạ tầng.
Trong đó, Phú Quốc là phát triển ồ ạt các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, resort mọc lên án ngữ các bãi biển, chặn mất đường thoát nước ra biển. Công tác quy hoạch quản lý đất đai, trật tự đô thị có vấn đề. Hạ tầng hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải trên đảo quá tải, chưa được đầu tư đồng bộ.
Tại Đà Lạt, hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao cũng là nguyên nhân khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng gây ngập úng tại thành phố mộng mơ này.
Nhiều nơi tại Phú Quốc và Đà Lạt ngập nước sau cơn mưa bão
Theo phân tích của vị chuyên gia đầu ngành về du lịch, việc xây dựng và phát triển các khu du lịch dù với quy mô lớn hay nhỏ, với các đơn vị và chủ đầu tư khác nhau thì cũng bắt buộc phải xây dựng đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật ở bên trong diện tích đất được giao. Còn phía ngoài khu vực dự án thì buộc phải có sự kết nối về cao độ nền, hệ thống cấp nước, thoát nước… giữa các công trình hạ tầng bên trong và bên ngoài. Bởi nếu không có giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề này thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch sẽ manh mún, độc lập với nhau, không phát huy hết hiệu quả của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không chỉ gây ngập úng, mất nước mà còn nhiều vấn đề phát sinh khác.
“Chúng ta vẫn đang mải mê bàn tán và phẫn nộ với những đề án quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đến làm thế nào để bảo tồn di sản, văn hoá nhưng ít có người thực sự đặt vấn đề nghiêm túc về tính đồng bộ và quy hoạch tầm nhìn dài hạn tại các khu du lịch”, chuyên gia nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch cho biết, hạ tầng du lịch phải gắn liền với hạ tầng xã hội, đó là bài toán tổng thể nên cần có sự đồng bộ, không thể tách rời: “Quy hoạch du lịch đang không nghĩ tới cái tổng thể. Điển hình như Sa Pa hiện giờ đang giống như một “đại công trường” khi tình trạng xây dựng diễn ra một cách tràn lan, trong khi hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cần phải tính đến trước như mạng lưới điện nước lại chưa tính đến. Xây dựng các công trình dịch vụ du lịch phải phù hợp với khả năng và sức chứa của điểm đến đó là bao nhiêu”.
TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng chia sẻ, tình hình ngập lụt ở 2 địa điểm du lịch này (Phú Quốc, Đà Lạt) là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị của chính quyền. Bởi Đà Lạt là thành phố cao nguyên, lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.
Ông cho rằng: “Hai thành phố du lịch bị ngập một phần nguyên nhân là do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Bên cạnh đó, việc lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước cũng khiến việc thoát nước chậm hơn, gây ngập úng khi mưa bão đến”./.