Aa

Du lịch Hà Nội đòi hỏi sự tham gia tích cực của ngành tuyên giáo để phát triển xứng tầm

Diệu Hiền
Diệu Hiền dieuhien2512@gmail.com
Thứ Tư, 14/08/2019 - 11:24

Với Thủ đô Hà Nội, du lịch không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà ở đây còn chứa đựng những yếu tố văn hóa, lịch sử, ngoại giao… Vì vậy, ngành du lịch Hà Nội cần sự tham gia tích cực của ngành tuyên giáo để phát triển ở một tầm cao mới.

Đặc điểm và những thành tựu của du lịch Hà Nội

Có thể nói Thủ đô Hà Nội hội đủ các điều kiện để ngành du lịch không chỉ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, mà còn là lĩnh vực để quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của nước Việt Nam. Điều này đặt ra không chỉ bởi vì Hà Nội là Thủ đô, mà ở đây còn hội tụ những hiện vật về ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Ngay trong nội thành là khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm cùng nhiều công trình kiến trúc văn hóa, nghệ thuật, tâm linh. Điều này cho thấy Hà Nội vẫn giữ được những nét cổ kính xa xưa.

Hà Nội có con sông Hồng huyền thoại; vành đai sông Hồng và khu vực bãi giữa đã tạo nên những sản phảm du lịch sinh thái độc đáo. Hồ Tây là một “báu vật” của Hà Nội với những truyền thuyết và hệ thống đền, chùa nằm trong chu vi 18km. Các huyện lân cận như Gia Lâm, Thanh Trì, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây… tạo ra một chuỗi địa điểm thu hút du khách. Đặc biệt dãy núi Ba Vì được xem là vùng đất Thánh; ở đây có núi cao, rừng xanh với dòng sống Đà uốn khúc tạo nên sự kỳ vĩ, linh thiêng. Điều này đặc biệt thu hút du khách vì thiên nhiên hùng vĩ và các yếu tố tâm linh thánh thiện.

Một đặc điểm quan trọng và chính là lợi thế cần nhận thấy là Hà Nội đóng vai trò trung tâm trong chuỗi du lịch liên tỉnh có những sản phẩm nối tiếng như Hà Nội – Quảng Ninh; Hà Nội – Ninh Bình; Hà Nội – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên… Du khách lấy Hà Nội làm “đại bản doanh” và có thể đến thăm các địa bàn trên và đi về trong ngày. Thậm chí, đến những tỉnh xa hơn như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Lạng Sơn… cũng vô cùng thuận lợi. Sự phát triển ấn tượng của hệ thống đường bộ đã tạo thêm lợi thế cho du lịch Hà Nội.

Dựa vào những đặc điểm này, lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận, huyện và các ngành chức năng khảo sát, xây dựng các mô hình phát triển du lịch hiệu quả, đặc biệt là xây dựng mô hình tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng gắn với khu vực sản xuất nông nghiệp theo hộ hoặc nhóm hộ, từ đó nhân rộng ra theo hướng này. 

Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn các DN lữ hành khảo sát các điểm du trên địa bàn để kết nối thành tour du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách, bổ sung cho các tour du lịch nội đô. Từ đó, Hà Nội sẽ có các chuỗi du lịch văn hóa tập trung vào tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, tham quan phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng.

Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ Đô

Du lịch Hà Nội đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong năm 2018: Đón 26,04 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 5,74 triệu lượt; doanh thu đạt 75.815 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017. Với 5,74 triệu lượt khách quốc tế, du lịch Hà Nội về đích trước 2 năm so với kế hoạch đặt ra.

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khách từ các quốc gia châu Á chiếm khoảng 60%, khách từ các quốc gia châu Âu chiếm khoảng 24%, khách từ các quốc gia châu Mỹ chiếm 9%... Việc hiểu được tâm lý của du khách các vùng miền để tạo cho họ sự thích thú cần nhiều đến kiến thức, kỹ năng ngoài du lịch.

Khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh của du lịch Hà Nội

Dẫu du lịch Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, nhưng cũng phải thắng thắn thừa nhận là đang còn một số khó khăn. Đó là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; Sản phẩm du lịch chưa đồng bộ; cách khai thác chưa đạt hiệu quả cao, chưa xứng với tiềm năng. 

Rõ ràng Hà Nội đang thiếu những khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm to lớn và hiện đại. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Du lịch Hà Nội với các nước trong khu vực và các địa phương trên cả nước.

Cũng phải công nhận, chất lượng môi trường sống ở Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế: Vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông cho du khách cần được nâng cao hơn. Và một điều then chốt là chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Hà Nội còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Điều này đặc biệt liên quan đến đội ngũ nhân lực quản trị doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch...

Nhìn thấy và thừa nhận những yếu kém, hạn chế là tiền đề, là bước đầu tiên để đi đến thắng lợi. Cần phải nhấn mạnh như vậy vì Du lịch Hà Nội đang quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn du khách. Hà Nội đang tập trung tạo dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, giàu sức hấp dẫn đưa vào phục vụ khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú ở Thủ đô.

Đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển thị trường du lịch quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả; phát triển hệ thống du lịch thông minh nhằm hội nhập và bắt kịp với xu hướng du lịch trên thế giới. Đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động quảng bá du lịch.

Chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước; với Thủ đô, thành phố các nước và các tổ chức du lịch quốc tế như: TPO, CPTA. Tăng cường công tác liên kết ngành như phối hợp với các hãng hàng không, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.

Về việc quảng bá du lịch Thủ đô, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, kể cả quảng bá trong nước và ngoài nước. Phải tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá TP. Hà Nội trên kênh CNN và các kênh phát thanh, truyền hình khác. Nội dung, chất lượng các chương trình, các phim quảng cáo hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội cần được cập nhật, nâng cao và làm cho phong phú, đa dạng hơn.

Ngành Tuyên giáo cần “tô đậm”những điểm nhấn du lịch Hà Nội

Nói đến quảng bá du lịch, chúng ta phải nghĩ ngay đến ngành tuyên giáo và các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông. Những sản phẩm du lịch của Thủ đô Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị lớn. Hơn thế nữa, với tư cách là Thủ đô ngàn năm văn hiến, du lịch Hà Nội phải “tô đậm” những đặc điểm này. Ở đây lại càng cần đến kiến thức, kỹ năng của cán bộ ngành Tuyên giáo Thủ đô Hà Nội.

Ngành Tuyên giáo phải giúp ngành du lịch Thủ đô Hà Nội hiểu tâm lý du khách và tạo thêm sự hấp dẫn, chiều sâu văn hóa, lịch sử cho các hoạt động du lịch. Khách quốc tế đến từ hàng trăm nước khác nhau; khách nội địa đến từ hàng chục tỉnh khác nhau. Khách quốc tế có mục đích, sở thích khác khách nội đội. 

Rồi khách quốc tế ở những châu lục khác nhau, những nền văn hóa, tôn giáo khác nhau cũng có những sở thích khác nhau. Khách nội địa đến từ những vùng miền khác, cũng có những sở thích khác nhau. Du khách cũng rất khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, địa vị, tuổi tác… Song, họ giống nhau ở một điểm: Họ đều mong muốn tìm hiểu, khám phá, thưởng ngoạn những di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội, trong đó có văn hóa ẩm thực và lối sống.

Du khách có trở lại hay không, có truyền bá cho bạn bè, người quen về những giá trị của Thủ đô Hà Nội hay không phụ thuộc một phần vào sự tinh tế trong hoạt động của ngành du lịch Thủ đô.

Những nét độc đáo của các sản phẩn du lịch của Thủ đô Hà Nội rất nhiều; cái chúng ta cần làm là “tô đậm” chúng. “Tô đậm” như thế nào? “Tô” đậm là làm cho chúng nổi bật, được nhiều người biết đến, hiểu về những giá trị của chúng. “Tô đậm” là quảng bá cả về bằng lời lẫn những hoạt động trên thực tế. Vậy hãy “tô đậm” điểm nhấn này bằng cách tuyên truyền về giá trị của nó (cả giá trị về cảnh quan, tâm linh, môi trường…) bằng các hội thảo khoa học; báo chí giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi; mở những tour du lịch vòng quanh hoặc đến một số điểm hấp dẫn.

Đó là “tô đậm” cả một vùng đất – nước rộng lớn mới phức tạp và mất công như vậy. Còn “tô đậm” những sản phẩm du lịch nhỏ hơn, hoặc “tô đậm” một loại hình sinh hoạt văn hóa thì đơn giản hơn nhiều. Ví dụ, hát xẩm là một loại hình sinh hoạt văn hóa khá độc đáo của Hà Nội trước đây. 

Trong một thời gian khá dài, nó bị mai một nhưng gần đây đã được “phục sinh”. Hiện nay có khá nhiều câu lạc bộ, tổ nhóm hát xẩm. Muốn “tô đậm” hát xẩm, trước hết tổ chức một festival nhỏ. Sau đấy tìm địa điểm ở phố đi bộ để hát xẩm “có mặt” thường xuyên ở chỗ đông người và đông khách quốc tế.

Để việc “tô đậm” điểm nhấn diễn ra nhẹ nhàng, thường xuyên, có hiệu quả thì cần có sự phối hợp, kết hợp giữa những người làm văn hóa, bảo tồn, bảo tàng và những người làm du lịch. Hoạt động này đương nhiên là phải có sự tham gia, chỉ đạo của chính quyền, nhất là cán bộ tuyên giáo – những người có tầm nhìn và cảm nhận tinh tế, sâu sắc về giá trị của các sản phẩm du lịch Thủ đô.

Thời tiết và khung cảnh Hà Nội phù hợp cho những hoạt động ở ngoài trời về ban đêm. Cần đẩy mạnh hoạt động này thành một điểm nhấn quan trọng. Đó có thể là thiết lập một vài tụ điểm ăn đêm với những đặc sản của nhiều vùng miền khác nhau như nem chua Thanh Hóa, lươn xứ Nghệ, các món ăn Huế, mỳ Quảng, cá ngừ Phú Yên, hoa quả miệt vườn Nam Bộ…

Mục tiêu của Du lịch Hà Nội trong năm 2019 rất to lớn: Đón 28,58 triệu lượt khách du lịch (tăng 9,8% so với năm 2018), trong đó khách quốc tế đạt 6,66 triệu (tăng 16%); tổng thu từ khách du lịch đạt 84.788 tỷ đồng (tăng 11,8%). 

Để đạt được những mục tiêu này, các quận, huyện và các ban ngành cần sát cánh với ngành du lịch, trong đó vai trò của ngành tuyên giáo là rất quan trọng. Thành công của du lịch Hà Nội là thành công kép, ngoài thành công trong kinh tế, còn thành công trong ngoại giao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top