Aa

Du lịch châu Á ế ẩm vì Covid-19

Thứ Ba, 25/02/2020 - 17:00

Nền du lịch toàn châu Á đang nằm dưới bóng đen của dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra.

Chưa bao giờ các điểm du lịch châu Á lại vắng lặng đến như thế.

Rừng tre Arishiyama, điểm đến của mọi khách du lịch đến với cố đô Kyoto, Nhật Bản vắng bóng người đến mức bạn có thể nghe thấy tiếng lá tre xào xạc trong gió.

360 chiếc xe cáp treo Ngong Ping bình thường đưa từng đoàn khách đi từ Hồng Kông sang đảo Lantau để thăm bức tượng Phật Thiên Đàn khổng lồ, nay xếp hàng dài tại nhà ga.

Những dòng người tấp nập đi lại trên Chùa Cầu Hội An bây giờ thưa thớt, cũng như là tại đền Angkor Wat ở Campuchia, tại chùa Chiang Man ở Thái Lan, tại tu viện Tengboche ở Nepal,...

Đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên ngành du lịch toàn thế giới. Theo Hội đồng Du lịch Quốc tế, trong năm 2018, ngành du lịch đã đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu 8,8 nghìn tỷ USD. Vì vậy mà thiệt hại do virus Corona gây ra lớn đến mức khó có thể tượng tượng được. Chỉ riêng ngành hàng không đã suy giảm tới hơn 29 tỷ USD tiền lợi nhuận kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Tàu điện ngầm Hồng Kông vắng lặng trong giờ cao điểm

Có thể thấy, các quốc gia châu Á - láng giềng của Trung Quốc  - là những nước có ngành du lịch chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Thế nhưng, ngay ở các quốc gia phương Tây, chúng ta cũng có thể thấy tác động của dịch Covid-19. Đơn cử như chủ nhật vừa qua, chính quyền thành phố Venice của Ý đã quyết định không tổ chức lễ diễu hành Festival hoá trang - lễ hội thu hút khoảng một triệu khách du lịch tới quốc gia này hằng năm - vì dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc.

Những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á đã đầu tư mạnh vào khu nghỉ dưỡng và sòng bài để "giữ chân" khách du lịch Trung Quốc. Bây giờ thì không chỉ khách Trung Quốc mà cả khách phương Tây cũng hạn chế du lịch Đông Nam Á. Thiệt hại về kinh tế đang tăng lên từng ngày. Theo số liệu ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường du lịch GlobalData (Luân Đôn, Anh), các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore sẽ thiệt hại khoảng 3 tỷ USD trong năm nay.

Một báo cáo khác từ trang web đặt phòng khách sạn Hopper thì số lượng khách Mỹ đặt phòng tại các quốc gia Đông Nam Á đã giảm hơn 20%, trong đó Malaysia, Singapore và Việt Nam có mức giảm cao nhất. Thay vì đến với vùng ngay sát tâm dịch Trung Quốc thì khách du lịch phương Tây đang đến với Nam Mỹ, Trung Đông hoặc Úc.

Khách Trung Quốc nhiều năm nay đã là động lực chính cho sự tăng trưởng của du lịch thế giới. Nhóm khách này đã chi ra tới 227 tỷ USD cho du lịch quốc tế chỉ trong năm 2018. Nhưng từ việc nền kinh tế tăng trưởng chậm, chiến tranh thương mại với Mỹ, và đến nay là virus Corona, người Trung Quốc đang càng ngày càng có ít lý do để đi du lịch nước ngoài. Tình hình xấu đến mức mà hai hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines và United Airlines đã hoãn tất cả các đường bay đến và đi khỏi Trung Quốc vì không có khách.

Thật may mắn là trong cơn khủng hoảng, không phải khách du lịch nước ngoài nào cũng hoảng loạn. Ví dụ như vợ chồng Jenni Honkanen and Tobias Solvefjord người Thuỵ Điển. Họ đi du lịch từ Hồng Kông đến TP.HCM. Khi được hỏi liệu hai người có sợ dịch Covid-19 không, ông Tobias trả lời tự tin:  "Tôi biết là ở Việt Nam không có nhiều người nhiễm virus Corona, và chính quyền hiện đang làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Vì thế mà không có lý do gì chúng tôi lại phải hoãn kế hoạch du lịch tại Việt Nam cả".

Tình hình tại Việt Nam nói riêng đã có phần ổn định trở lại. Tại Hội An, dòng khách du lịch đã và đang dần đông lên. Bà Patricia Clegg (64 tuổi) người Pháp gốc Việt và hiện đang là cố vấn du lịch cho cửa hàng may lâu đời nhất thành phố cho biết: “Đúng là khách du lịch châu Á đã vơi đi hẳn, nhưng bù lại chúng tôi vẫn đón được khách châu Âu".

Tại một góc khác ở Hội An, quán trà Reaching Out đã giảm đến tận 45% lượng khách kể từ đầu tháng 2 vừa rồi. Chỉ sau khi chủ quán là anh Lê Nguyễn Bình thực hiện một số biện pháp phòng dịch như lấy thân nhiệt của nhân viên phục vụ và phát khẩu trang cùng nước rửa tay diệt khuẩn cho tất cả mọi người thì mới trấn an được khách hàng. 

Đây là một ví dụ đáng để các cơ sở du lịch noi theo. Tới một ngày, dịch Covid-19 sẽ kết thúc, thế nhưng "bóng ma" của nó sẽ còn ám ảnh khách du lịch nước ngoài lâu hơn thế. Cách duy nhất để tạo sự yên tâm trong lòng khách du lịch là các cơ sở tự mình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top