Đây liệu có là cái lò so nén chờ bung ra của du lịch Việt Nam?
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương phải thốt lên rằng, thông thường sau những “cú sốc” như Covid-19, ngành du lịch sẽ phục hồi rất mạnh mẽ, thường thì sau 6 tháng. Đây không phải là chuyện “đoán mò” mà thực tế, các đại dịch trong quá khứ như đại dịch SARS hồi năm 2003, hay các thảm hoả sóng thần ở Indonesia, Nhật Bản… đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu nói chung và các nước bị thảm hoạ nói riêng sụt giảm thê thảm, song chỉ cần có thông báo hết dịch thì ngành du lịch sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất.
Trong khi đó, ông Martin Koerner, Chủ tịch tiểu ban du lịch và nhà hàng - khách sạn của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) nói rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cơ cấu lại. Không ai mong muốn tình trạng như hiện nay nhưng chính hoàn cảnh này lại giúp Việt Nam nhìn thấy những điểm yếu của du lịch Việt.
Hàng loạt khách sạn đã phải tạm thời đóng cửa trước cả khi có lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Phạm Lượng
Chẳng hạn, tính đa dạng, thu hút du khách từ nhiều lục địa và quốc gia sẽ giúp phát triển bền vững. Điều đáng nói, trong số 15,5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam có tới quá nửa đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc với con số lần lượt là 5 triệu và 3,5 triệu lượt. Đây là thời điểm du lịch Việt Nam cần đa dạng hoá thị trường khách quốc tế.
“Không phải ngẫu nhiên mà Singapore lại giới hạn tối đa 20% du khách có cùng quốc tịch.Điều này khiến doanh nghiệp trong ngành du lịch buộc phải vươn ra nhiều thị trường hơn ngoài Hàn Quốc và Trung Quốc.” ông Martin Koerner nói.
Mặt khác, đây còn là thời điểm mà các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng kế hoạch xử lý khủng hoảng, đánh giá chi tiêu và cắt giảm tất cả các chi phí không cần thiết cho đến khi thị trường hồi phục.
Theo tìm hiểu của PV, các tour kích cầu, giảm giá cho du khách đang được hiệp hội, doanh nghiệp du lịch triển khai, chờ dịch được kiểm soát sẽ tung ra vào thời điểm thích hợp.